Thông tin do Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp, chiều 6/6, hai ngày trước khi diễn ra kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội.
Cụ thể, hai học sinh tại huyện Đan Phượng cần thiết bị kết nối với điện thoại để cấp insulin, truyền 24/24. Đây là hormone có vai trò hạ đường huyết, thường dùng trong điều trị bệnh đái tháo đường.
Thiết bị kết nối sẽ do gia đình mang tới phòng thi trước, được kiểm tra và niêm phong. Tới mỗi buổi thi, giám thị sẽ lấy máy ra để thí sinh sử dụng, hết thời gian làm bài lại niêm phong.
8 học sinh bị gãy tay phải sẽ dự thi tại các điểm thi thuộc quận Hoàng Mai, Ba Đình, Hà Đông, Nam từ Liêm và huyện Thanh Oai, Thường Tín, Chương Mỹ.
Những em này được bố trí người viết bài hộ. Toàn bộ quá trình thi và nội dung đọc, chép được lưu lại bằng máy ghi âm đã được cơ quan an ninh kiểm tra và niêm phong. Nội dung ghi âm được lưu trong ba năm.
Cả 10 thí sinh sẽ được sắp xếp thi tại phòng dự phòng.
Tại buổi tập huấn công tác tổ chức thi lớp 10 hôm 4/6, ông Nghiêm Văn Bình, Phó trưởng phòng phụ trách Quản lý thi, cho biết các phòng thi dự phòng cần được bố trí tại tầng 1, gần phòng y tế để thuận tiện việc đi lại, hỗ trợ.
"Học sinh muốn thi, thầy cô cần tạo điều kiện hết sức. Các điểm thi cũng không nên quá áp lực, căng thẳng, dễ khiến học sinh bị cảm giác kỳ thị. Tinh thần là thực hiện đúng quy chế, đảm bảo quyền lợi tối đa cho các em", ông Bình nói.
Kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội diễn ra vào ngày 8-9/6, với ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thí sinh thi trường chuyên và hệ song bằng sẽ thi thêm ngày 10 và 11/6.
Năm nay, 106.000 em đăng ký dự thi. 127 trường công lập (gồm trường chuyên, trường công tự chủ) đáp ứng hơn 77.000 chỗ học. Còn lại, học sinh có thể theo học trường tư, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề.
Thanh Hằng