Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cuối tháng 5 cho thấy đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã không thay đổi quá 6% về giá trong 70 phiên. Đây là chuỗi bình lặng dài nhất kể từ tháng 10/2020. Các bên quan sát đều cho rằng chuyện này không bình thường đối với Bitcoin, vốn được biết đến với việc thị giá thường tăng hoặc giảm mạnh, đôi khi đảo ngược chỉ một ngày sau đó.
Tháng vừa qua, tiền số này giao dịch quanh 27.000 USD. "Những khi xảy ra biến động, thị giá Bitcoin cũng chỉ lên xuống ở phạm vi 26.600-27.500 USD, một trong những phạm vi giao dịch chặt chẽ nhất vài năm qua", theo các nhà phân tích tại Glassnode.
Kể từ đầu năm, tiền số này đã tăng hơn 60%, từ khoảng 18.000 USD lên hơn 27.000 USD vào cuối tháng 5. Tuy nhiên, Bitcoin bị mắc kẹt trong phạm vi hẹp suốt hai tháng qua, dao động trong khoảng 26.000-29.000 USD. Có thời điểm, Bitcoin vượt trên 30.000 USD nhưng cũng phải đối mặt với một số lần giảm xuống còn 25.500 USD. Nhìn chung, biến động 30 ngày của giá Bitcoin cũng đang ở mức thấp chưa từng thấy kể từ đầu tháng 1.
Theo CCData, mức độ biến động của Bitcoin đã giảm xuống 48,2% trong năm nay so với mức 62,8% của năm ngoái và 79% vào năm 2021. Thay đổi trung bình hàng ngày của tiền số vẫn ổn định, với mức tăng bình quân 1,68% và mức giảm bình quân 1,93%.
Strahinja Savic - người đứng đầu bộ phận dữ liệu và phân tích tại FRNT Financial, cho biết các nhà giao dịch đang chờ đợi sự rõ ràng hơn của các cuộc đàm phán về trần nợ hay chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đây là thời khắc họ chờ và xem.
Các chính trị gia Mỹ đang tranh cãi về cách giải quyết tình trạng bế tắc nợ công khi quá trình này đang bị kéo dài. Trong khi đó, biên bản cuộc họp gần đây nhất của các quan chức Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách không chắc chắn về việc họ có cần thắt chặt chính sách thêm bao nhiêu để tiếp tục làm chậm lạm phát.
Theo chuyên gia Noelle Acheson, mặc dù tiềm năng tăng giá của Bitcoin khá lớn, hiện tại vẫn không có đủ lý do thuyết phục để các nhà đầu tư đổ tiền vào. Ở chiều ngược lại, cũng không có nhiều lý do để những người nắm giữ hiện tại bán ra. Bối cảnh vĩ mô đang khiến các nhà đầu tư chờ xem mọi chuyện diễn ra như thế nào.
Chia sẻ với Cointelegraph, David Duong - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tổ chức tại Coinbase - cho rằng giá tiền số giữ ổn định một phần được thúc đẩy bởi sự thoái lui mạnh của USD. Điều này mang tính xây dựng đối với Bitcoin và thị trường tiền số nói chung trong 6-12 tháng tới.
Còn CoinDesk cho rằng nhà đầu tư đã "nhàm chán" với những biến động vĩ mô. Trước sự bất ổn của ngành ngân hàng, cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, việc tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 5, suy thoái kinh tế toàn cầu đang rình rập và cuộc chiến nợ công của Mỹ, tài sản kỹ thuật số dường như đã "mất hứng thú" với tất cả. Những câu chuyện truyền thống này chỉ có thể gây ra tác động với các nhà đầu tư truyền thống.
Tuy nhiên, chuyên gia Nathan Cox của CoinDesk lưu ý sự trầm lặng gần đây của Bitcoin có thể "ru ngủ" những người tham gia thị trường vào "cảm giác an toàn sai lầm". Ông nói: "Khi những cơn gió thay đổi kinh tế vĩ mô tiếp tục thổi và những câu chuyện đang bị đánh giá thấp bắt đầu diễn ra, chúng ta có thể chứng kiến sự biến động mạnh trở lại".
Tiểu Gu (theo Bloomberg, Cointelegraph, CoinDesk)