"Nếu tôi gọi điện cho vợ muộn hơn giờ hẹn, bà ấy sẽ lo lắng vì không biết chuyện gì có thể xảy ra", Kenichi Horie, 83 tuổi, kể về hành trình vượt 8.700 km từ San Francisco, Mỹ, tới eo biển Kii, ngoài khơi phía tây Nhật.
Ông hoàn thành chuyến đi vào ngày 2/6, sau hơn hai tháng lênh đênh trên biển bằng thuyền buồm và trở thành người cao tuổi nhất thế giới một mình Thái Bình Dương mà không dừng lại ở điểm nào.
Trong chuyến đi này, nhà thám hiểm 83 tuổi sử dụng thuyền buồm Suntory Mermaid III dài 5,8 mét, nặng khoảng một tấn, sử dụng các tấm pin mặt trời để cung cấp điện. Con tàu được tùy chỉnh phù hợp với thể trạng và chiều cao 1m52 của ông.
Dù Mermaid II được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến, ông Horie vẫn không thay đổi thói quen đi biển của mình. Ông thức dậy lúc mặt trời mọc và ăn sáng bằng trái cây, trước khi sử dụng điện thoại vệ tinh để trò chuyện với vợ, cũng như liên lạc với đội ngũ hỗ trợ để cập nhật tình hình thời tiết.
"Con thuyền liên tục di chuyển nên tôi chỉ có thể ngủ những giấc ngắn ngắt quãng. Tôi luôn có việc cần phải làm trên thuyền", Horie chia sẻ. Có những lúc ông ngủ thiếp đi, và nỗi sợ lớn nhất của ông là bỏ lỡ cuộc gọi hàng ngày với bà Eriko, vợ ông. Dù vậy, bà Eriko chưa từng yêu cầu ông ngừng thực hiện những chuyến vượt biển như vậy.
Horie đã thực hiện nhiều chuyến vượt biển một mình bằng du thuyền khắp các đại dương trên thế giới đến mức ông không nhớ được con số chính xác. "Chắc là khoảng 10 chuyến", ông trả lời trong cuộc phỏng vấn gần đây tại cảng Shin Nishiomiya, thành phố Kobe, miền tây Nhật Bản.
Horie cho biết sau khi xuất phát từ San Francisco trong hải trình mới nhất, ông mất vài ngày để làm quen với môi trường trên biển sau nhiều năm ngừng "tung hoành sóng nước", đồng thời tỏ ra khiêm tốn về thành tích của mình, khi gần như bác bỏ mọi nguy hiểm mà ông phải đối mặt trong suốt hải trình.
"Thời tiết đôi khi xấu, song tôi sẽ không mô tả nó là khủng khiếp", ông nói.
Nhưng trên thực tế, nhà thám hiểm cao tuổi này đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong hành trình, trong đó có cơn bão ập đến ngay sau khi ông khởi hành ở San Francisco, Mỹ, ngày 26/3. Ông viết trong nhật ký hải trình trực tuyến rằng đã có lúc ông cảm thấy "nản lòng".
Ông cho biết một nỗi sợ khác khi vượt biển là nỗi cô độc, khiến những người kém nghị lực rất khó vượt qua thời gian một mình tưởng như vô tận giữa đại dương bao la.
Ông vượt qua nỗi cô độc trên biển bằng cách đọc sách. Hai cuốn hải trình bằng tiếng Nhật của nhà thám hiểm Ferdinand Magellan và Christopher Columbus luôn nằm trong bộ sưu tập sách trên tàu của Horie. "Họ truyền cảm hứng cho tôi", ông nhấn mạnh.
"Tôi thích ở một mình cùng những suy ngẫm riêng về chiếc thuyền, về con tàu mơ ước, về những thiết kế có thể điều chỉnh trên con thuyền tiếp theo", ông kể. "Tôi đã thực hiện chuyến đi này suôn sẻ mà không dừng ở điểm nào, vì thế tôi nghĩ lựa chọn Hawaii làm điểm ghé thăm là một ý kiến hay cho hải trình tiếp theo".
Ông chỉ cao 1m52, có thể dễ dàng thích nghi với không gian chật hẹp của Mermaid III. "Con thuyền khá nhỏ, nhưng khi không ngừng di chuyển, không ngừng ngắm nhìn đại dương và bầu trời đêm, bạn sẽ có cảm giác tự do", Horie nói.
Dù tuổi cao, ông Horie chưa có ý định ngừng khám phá. "Tình trạng sức khỏe của tôi đang tốt, nếu điều này ổn định, tôi vẫn sẽ tiếp tục ra biển. Tôi và vợ đang thảo luận thêm về chuyện này", ông tiết lộ. "Nhưng ở tuổi này thì không có gì đảm bảo được, tôi muốn vượt Thái Bình Dương một lần nữa, có thể đó là lần cuối cùng".
Ông nói thêm rằng chuyến đi của ông thu hút sự chú ý có thể vì vấn đề tuổi tác. "Tôi đã thực hiện rất nhiều chuyến vượt Thái Bình Dương, song tuổi của tôi thực sự chỉ quan trọng trong lần này vì đó là kỷ lục", ông nói. "Điều quan trọng nhất là xác định được điều muốn làm, và học cách tận hưởng khi thực hiện điều đó. Đối với tôi, tuổi tác không phải là một yếu tố".
Năm 1962, ông Horie điều khiển thuyền buồm từ Nhật Bản đến San Francisco ở tuổi 23, trở thành người đầu tiên trên thế giới đi thuyền một mình qua Thái Bình Dương.
Do không có hộ chiếu hay tiền bạc, ông bị bắt sau khi cập bến San Francisco, nhưng được thị trưởng thành phố khi đó là George Christopher trả tự do và cấp thị thực nhằm vinh danh lòng dũng cảm của ông.
Trong 60 năm sau đó, Horie tiếp tục thực hiện nhiều chuyến vượt Thái Bình Dương, bằng nhiều loại phương tiện, trong đó có thuyền làm từ lon nhôm chạy bằng năng lượng mặt trời hay thuyền đạp chân. Năm 1999, ông từ Bờ Tây nước Mỹ vượt biển trên chiếc thuyền hai thân làm từ bom bia tới Nhật và quay lại bằng con thuyền làm từ thùng rượu whisky ba năm sau.
Ông được mệnh danh là "thủy thủ nổi tiếng nhất Nhật Bản". Chính phủ Ecuador thậm chí đã lấy tên ông đặt cho một mũi đất ở quần đảo Galagos ngoài khơi nước này, sau khi Horie vượt 14.500 km từ Ecuador tới Tokyo trên con thuyền làm từ lon nhôm tái chế.
Đức Trung (Theo Guardian)