Hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần phát triển không đồng đều, lại gắn với những mô hình và mức độ linh hoạt khác nhau cũng tạo nên khoảng cách và khác biệt. Theo ông Đỗ Quang Vinh, chuyển đổi số đối diện với yêu cầu, thách thức đầu tư nguồn ngân sách lớn trước khi xóa bỏ được cách biệt, vượt lên và phát huy giá trị hiệu quả. Quy mô ngân hàng càng lớn, thách thức nguồn ngân sách đòi hỏi đầu tư càng nhiều.
Trước khi cuộc đua chuyển đổi số nóng lên, Việt Nam đã có những ngân hàng thương mại quy mô một triệu tỷ đồng tổng tài sản, mạng lưới hàng nghìn điểm. Việc đầu tư cho một hạ tầng rộng lớn như vậy không phải là điều dễ dàng. Trong khi đó, một số thành viên có quy mô nhỏ hơn, đặc biệt có lợi thế mô hình cổ phần tư nhân, nếu linh hoạt nắm bắt công nghệ, sớm chủ động đầu tư cho chuyển đổi số sẽ có những ưu thế riêng.
Đại diện SHB cho biết, quá trình phát triển các ngân hàng thương mại luôn có hai trọng số chi phí gồm hạ tầng mạng lưới chi nhánh và các điểm giao dịch, lực lượng nhân sự. Một số ngân hàng nhỏ chọn đi tắt phát triển bằng công nghệ. Họ phát triển khách hàng và doanh thu trên kênh số, trong khi giảm thiểu được gánh nặng chi phí đầu tư và duy trì ở hai trọng số truyền thống nói trên.
"Với chuyển đổi số, áp lực chi phí đầu tư cho công nghệ, số hóa không chỉ nằm ở phổ rộng bề mặt và chiều sâu mà còn cả yêu cầu cập nhật, đổi mới theo tuổi đời công nghệ", ông Vinh nói.
Vượt qua được áp lực chi phí đầu tư, chuyển đổi số tại các ngân hàng thương mại còn phải đối diện với thử thách tiếp theo là rút ngắn độ trễ tác động của chuyển đổi số lên hiệu quả vận hành, kinh doanh. Điều này tùy thuộc sức hấp thụ và chuyển hóa của thể trạng mỗi ngân hàng, cũng như cách thức và giải pháp chuyển đổi số.
"Tại SHB, chúng tôi phải định vị chiến lược rõ ràng và phương pháp cụ thể ngay từ đầu, đầu tư đúng lúc, đúng chỗ và đặc biệt phải có kết quả trong quá trình chuyển đổi số", Phó tổng giám đốc SHB gợi ý.
Là người trực tiếp chỉ đạo và điều hành việc triển khai chuyển đổi số tại SHB, ông Vinh cho biết, sau hai năm thực hiện, các hoạt động phát triển và kinh doanh sản phẩm số đã hỗ trợ tiết kiệm chi phí vận hành và tăng cường hiệu quả kinh doanh tại SHB. Cụ thể, trong năm vừa qua, chuyển đổi số giúp nhà băng này tiết kiệm hơn 153 nhân sự làm việc toàn thời gian ở mảng khách hàng cá nhân; kênh định danh điện tử (eKYC) giúp giảm thiểu tới khoảng 46.300 giờ làm. Sản phẩm thấu chi online giúp giảm thiểu tới khoảng 151.000 giờ làm; phát hành thẻ tín dụng giảm được khoảng 92.500 giờ...
Tương tự, với mảng khách hàng doanh nghiệp, lượng thời gian được giảm thiểu nhờ số hóa lên tới khoảng 667 giờ qua tra cứu hóa đơn điện tử; hay thấu chi phê duyệt trước online giúp tiếp kiệm thời gian tới khoảng 1.561 ngày... so với trước đó.
Nhờ tinh gọn và tối ưu quy trình vận hành, chi phí hoạt động của SHB cũng giảm thiểu và hiệu suất lao động tăng lên, từ đó thúc đẩy hiệu quả kinh doanh. Hiện, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của SHB nằm trong nhóm tốt nhất trên thị trường với 22,7%. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần giúp nhà băng này có được tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) thuộc top 10 toàn hệ thống năm qua.
"Dĩ nhiên điểm đến quan trọng của chuyển đổi số là gia tăng tiện ích, lợi ích và trải nghiệm cho khách hàng", ông Vinh khẳng định.
Trong năm 2022, lượng user khách hàng cá nhân trên kênh số của SHB đã tăng tới 82%, lượng user khách hàng doanh nghiệp đã tăng tới 116%... Năm nay, SHB dự kiến đồng loạt triển khai hơn 50 dự án mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Khi độ trễ các dự án dần rút ngắn, hiệu quả từ động lực chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ tạo đà để ngân hàng này bứt phá cũng như tăng cường các giá trị trong phục vụ khách hàng.
Chia sẻ về bức tranh chuyển đổi số ngành ngân hàng thời gian tới, ông Đỗ Quang Vinh cho biết, các ngân hàng nói chung đã trải qua giai đoạn 1 - Digitize (số hóa) và đang ở giai đoạn 2 là Digitalize (ứng dụng kỹ thuật số). Đây là giai đoạn các nhà băng đang cố gắng tự động hóa các quy trình vận hành, hướng tới đưa các dữ liệu lên Cloud để quản lý, đảm bảo vận hành số minh bạch và rõ ràng.
"Trong 5-10 năm nữa, tôi kỳ vọng chúng ta có thể chuyển sang giai đoạn cuối cùng - Digital Transformation (chuyển đổi số), có thể số hóa một cách toàn diện, và tạo ra các trải nghiệm liền mạch, xuyên suốt cho cả khách hàng và người lao động tại ngân hàng", Phó tổng giám đốc SHB cho biết.
Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, 95% các ngân hàng xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số. Nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiền, gửi tiết kiệm được số hóa 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số. Hầu hết các ngân hàng ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số.
An Nhiên