Thứ bảy, 25/1/2025
Thứ hai, 6/4/2015, 17:46 (GMT+7)

Hai tàu khu trục của Mỹ cập cảng Đà Nẵng

Trưa 6/4, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Fitzgerald (DDG 62) và tàu tác chiến gần bờ USS Fort Worth (LCS 3) của Hải quân Mỹ đã cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị và các hoạt động huấn luyện với Hải quân Việt Nam trong vòng 5 ngày.

Tàu tên lửa dẫn đường USS Fitzgerald (DDG 62) dài 154m, rộng 20m, chiều cao mớn nước 9,2m, chiều cao từ vạch ngấn nước 45m, tầm nhìn từ đài chỉ huy xa 12 hải lý, lượng dãn nước 8.315 tấn. USS Fitzgerald (DDG-62) được triển khai hoạt động từ tháng 10/1995. Năm 2004, tàu được công bố là một trong 15 tàu khu trục có khả năng đối phó với mối đe dọa tên lửa đạn đạo toàn cầu.

Tàu có bãi đỗ trực thăng ở phía boong sau. Đây là tàu nằm trong liên đội tàu khu trục (DESRON) của Hải quân Mỹ. Chuyến thăm lần này trong khuôn khổ giao lưu thường niên lần thứ 6 giữa Hải quân hai nước, kéo dài đến hết ngày 10/4.

Ngay khi cập cảng, các thủy thủ nhanh chóng cột neo tàu. Sĩ quan phụ trách 2 tàu thăm Đà Nẵng lần này là đại tá Lê Bá Hùng, người Mỹ gốc Việt, phó Tư lệnh biên đội tàu khu trục số 7 của DESRON.

Khoảng 400 thủy thủ đến Đà Nẵng từ hai tàu khu trục của Mỹ. Cùng với các hoạt động trao đổi kỹ năng quân y, tìm kiếm cứu nạn, an ninh hàng hải, hội thảo về luật biển,... thủy thủ đoàn còn có các hoạt động giao lưu, biểu diễn ca nhạc.

USS Fitzgerald được thiết kế với mục đích phòng vệ. Toàn bộ tàu được làm bằng thép và sử dụng động cơ tua-bin khí. Hệ thống radar hiện đại trên USS Fitzgerald (DDG 62), gồm radar tìm kiếm máy bay, tìm kiếm trên mặt biển, định vị hàng hải, định vị siêu âm dưới nước.

Sức mạnh của USS Fitzgerald (DDG 62) chính là hệ thống vũ khí hiện đại. Tàu có một giá súng MK 45/MOD 2 5'/54 CAL, các hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng, tên lửa hành trình TOMAHAWK, hoặc hệ thống phóng ngư lôi thẳng đứng ASROC...

Ngoài súng và hệ thống phóng tên lửa ở mũi tàu, chiến hạm này còn giàn phóng tên lửa phía sau tàu cùng các bệ phóng tên lửa chống tàu, hệ thống vũ khí tầm gần, bệ phóng ngư lôi bên sườn tàu.

Tàu tác chiến gần bờ USS Fort worth (LCS 3) dài 119m, rộng 18,1m, chiều cao từ mớn nước là 4,6m, tốc độ hơn 74km/h.  USS Fort Worth là loại tàu chiến đấu ven biển (LCS) có kích cỡ nhỏ, lớp Freedom, có thể hoạt động ở tốc độ thấp phù hợp với các chiến dịch ven biển hoặc di chuyển nhanh để tránh hoặc truy đuổi tàu nhỏ, tàu ngầm. Tàu do Lockheed-Martin phát triển và được bàn giao cho Hải quân Mỹ tháng 9/2012.

Fort Worth có các khả năng chiến đấu và độ linh hoạt cao trong hoạt động với các nhiệm vụ tập trung như phá mìn, tác chiến chống tàu ngầm, tàu nổi. Bên trong tàu có khoang chứa máy bay, trong đó có cả máy bay không người lái. Các công cụ tác chiến chống tàu ngầm bao gồm máy bay MH 60R mang theo thiết bị phát hiện ngầm, phao âm, ngư lôi, thiết bị định vị thủy âm ở độ sâu khác nhau. Máy bay MH 60S với khả năng phát hiện và vô hiệu hóa mìn, hệ thống điều khiển từ xa đa năng...

Bên trong và hai bên mạn tàu trang bị nhiều xuồng cao tốc, phục vụ cho việc tác chiến, đổ bộ. Cứ sau 4 tháng, thủy thủ trên tàu lại được thay thế một lần. Việc này giúp kéo dài gian hoạt động hơn 6 tháng so với tàu USS Freedom (LCS 1) và gấp đôi so với các tàu chiến thông thường,  giảm sự mệt mỏi của thủy thủ đoàn trong 16 tháng triển khai trên biển.

Fort Worth được trang bị hệ thống pháo Bofors Mk 110 cỡ nòng 57mm. Hệ thống pháo này có chức năng kép, bắn tự động, sử dụng đạn Bofors 57mm 3P tự lập trình cho mục tiêu, cho phép 3 chế độ bắn. Tàu chiến này còn được trang bị 21 tên lửa RIM-116 Rolling Airfram, ...

Tháng 11 năm ngoái tàu đã được triển khai tới Singapore trong nhiệm vụ triển khai luân phiên, nhằm củng cố chính sách "xoay trục" chiến lược của Hải quân Mỹ tới Thái Bình Dương. Ngày 31/12/2014 tàu được phái từ Singapore tới Biển Java để tham gia tìm kiếm máy bay mang số hiệu 8501 của AirAsia Indonesia, rơi trước đó ba ngày, khiến toàn bộ những người trên khoang thiệt mạng.

Tại lễ đón tàu, đại diện Hải quân Việt Nam đánh giá cao chuyến thăm hữu nghị, đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ của hai tàu chiến Mỹ, nhằm thắt chặt hơn nữa hợp tác lâu dài, cùng phát triển giữa Việt Nam và Mỹ.

Nguyễn Đông