Hmas Huon và Hmas Yarra là hai tàu quét mìn, có 50 sĩ quan, thủy thủ sống và làm việc trên tàu. Hmas Huon do thiếu tá hải quân hoàng gia John Relyea chỉ huy, và tàu Hmas Yarra do thiếu tá hải quân hoàng gia Bradley Vizard chỉ huy.
Trong những ngày viếng thăm TP HCM, thủy thủ đoàn của hai tàu sẽ gặp gỡ các sĩ quan cao cấp và thủy thủ của hải quân Việt Nam, trao đổi về kỹ năng rà phá thủy lôi.
Thủy thủ đoàn cũng sẽ tham gia các hoạt động giao hữu thể thao với học viên trường Kỹ thuật Hải quân và chơi bóng bầu dục với đội Việt Nam Swans của ĐH Kỹ nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT), phân hiệu TP HCM.
Trong thời gian lưu lại Sài Gòn, thủy thủ đoàn cũng sẽ tham gia hoạt động từ thiện và tham quan một số di tích.
Tàu hải quân Hoàng gia Australia Hmas Huon và Hmas Yarra cập cảng Sài Gòn sáng 10/10. Ảnh: Tá Lâm. |
Đại tá không quân Matthew Dudley, Tùy viên quốc phòng Australia tại Việt Nam cho biết, đây là cơ hội rất tốt để xây dựng quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Australia. Từ năm 1999 đến nay, quân đội Australia đã đào tạo hơn 1.000 sĩ quan quân đội cho Việt Nam.
Cũng theo ông Matthew Dudley, hai nước đã cùng nhau hợp tác giải quyết vấn đề MIA và chương trình nghiên cứu sốt rét, sốt xuất huyết.
Hmas Huon và Hmas Yarra với thiết kế thân tàu đặc biệt, có khả năng chịu lực va đập, ít tạo ảnh hưởng từ tính và âm thanh. Điều này cho phép tàu hoạt động trong khu vực có thủy lôi của địch. Để đối phó với mìn lôi, tàu được trang bị sô-na phù hợp cho nhiều độ sâu, có khả năng phát hiện xa hơn 1.000 m. Khi phát hiện thủy lôi hoặc mìn dưới đáy, tàu sẽ dừng lại ở khoảng cách an toàn khoảng 200 m.
Thợ lặn hoặc thiết bị lặn rà phá sẽ được sử dụng để xác định và vô hiệu hóa mìn. Thiết bị này có trang bị đèn tìm kiếm, camera, sô-na, được điều khiển từ trên tàu. Mỗi tàu còn được trang bị pháo 30 mm và có thể chạy với vận tốc 14 hải lý một giờ.
Hà Thanh