Thông tin được ông Đoàn Văn Nhanh, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn và hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Tràm Chim, cho biết tại lễ công bố đề án bảo tồn sếu đầu đỏ, đồng thời giới thiệu về khu vực nuôi loài chim quý này, ngày 12/12.
Cuối năm ngoái, Đồng Tháp đã thông qua đề án bảo tồn sếu, thực hiện trong 10 năm với mục tiêu sẽ nuôi và thả 100 con sếu, trong đó 60 con do Thái Lan chuyển giao. Đề án kỳ vọng 50% trong số này sẽ sống sót và tự gầy đàn ngoài tự nhiên. Chính quyền tỉnh này cho biết đến công tác chuẩn bị đã sẵn sàng và nhận được sự tài trợ của một số đơn vị, doanh nghiệp.
Theo ông Nhanh, dự kiến, trong hai tháng tới Thái Lan sẽ hoàn thành các thủ tục để chuyển giao hai con sếu đầu tiên trong đề án. Cặp sếu này sẽ được nuôi tại Thảo Cầm Viên trong khoảng một tháng trước khi đưa về Tràm Chim. Trung tâm có 10 nhân sự sẽ phụ trách việc chăm sóc sếu và đã hoàn thành các khóa tập huấn ở Thái Lan.
Lý do không chuyển sếu đến Vườn quốc gia Tràm Chim ngay là theo quy định quốc tế chỉ có các vườn thú mới có thể trao đổi động vật với nhau. Do đó, Vườn quốc gia Tràm Chim thông qua Thảo cầm viên Sài Gòn là nơi sẽ nhận sếu từ Vườn thú Nakhon Ratchasima (tỉnh Nakhon, Thái Lan) để chăm sóc, cách ly, theo dõi tạm thời.
Cũng theo ông Nhanh, khu vực chọn làm chuồng nuôi sếu tại Tràm Chim cách xa khu dân cư, giảm thiểu tiếng ồn và tác động của con người. Phía sau khu nuôi là rừng tràm, cánh đồng cỏ năn, khá mát mẻ và yên tĩnh. Trong đó, chuồng nuôi bán hoang dã để nuôi sếu trưởng thành, rộng khoảng 1.000 m2 được thiết kế 30% diện tích ngập nước (cao 30 cm), trồng cây tạo mảng xanh, rào lưới inox xung quanh và phía trên.
Lãnh đạo Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết sếu không có tuyến mồ hôi. Chúng phải xả nhiệt bằng cách ngâm chân trong nước, do đó chuồng nuôi bắt buộc phải được thiết kế có hồ nước. Chuồng này sẽ nuôi cặp sếu đầu tiên đưa về từ Thái Lan, chủ yếu làm công tác giáo dục môi trường, cho du khách tham quan.
Riêng đàn sếu nuôi với mục đích thả ra môi trường, sẽ được nuôi trong không gian biệt lập, không thấy con người. Nhân viên chăm sóc phải mặc trang phục giả sếu. Cách làm này giúp sếu không quấn quýt với con người, dễ hòa nhập trong môi trường tự nhiên. Chúng sẽ được huấn luyện các kỹ năng như tập bay, tìm thức ăn trước khi thả về tự nhiên.
Sếu đầu đỏ có điểm nổi bật là phần đầu, cổ trụi lông, màu đỏ, vằn trên cánh và đuôi màu xám. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m, sải cánh 2,2-2,5 m, nặng 8-10 kg. Sếu ba năm tuổi sẽ bắt cặp để sinh sản và mất một năm nuôi con trước khi đẻ lứa tiếp theo.
Theo Hội Sếu quốc tế, toàn thế giới ước tính có 15.000-20.000 sếu đầu đỏ, trong đó 8.000-10.000 con phân bố ở Ấn Độ, Nepal, Pakistan. Ở các nước Đông Dương (chủ yếu Việt Nam và Campuchia), từ năm 2014 ghi nhận khoảng 850 sếu đầu đỏ, song đến năm 2014 còn 234 con, hiện còn khoảng 160 con.
Ở Thái Lan, trước đây sếu đầu đỏ đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, từ năm 2011, quốc gia này khởi động chương trình phát triển sếu. Đến năm 2020, khoảng 100 con sinh sống và có khả năng sinh sản ngoài tự nhiên.
Ngọc Tài