Cua có nguồn gốc từ Triều Tiên được tiêu thụ ở Hồn Xuân, Trung Quốc. Video: CNN.
Thành phố Hồn Xuân (Hunchun) nằm không xa ngã ba biên giới giữa Triều Tiên, Trung Quốc và Nga. Thành phố với hải sản là ngành công nghiệp chủ đạo này đang chứng kiến sự hình thành của thị trường chợ đen hải sản Triều Tiên do lệnh cấm vận của chính phủ Trung Quốc và Liên Hợp Quốc, CNN ngày 11/10 đưa tin.
Nhiều năm qua, cua, trai và những loại hải sản khác của Triều Tiên được thương lái Trung Quốc mua bán tại đây. Nhưng ngày 15/8, Trung Quốc tuyên bố thực hiện lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc đối với hải sản và nhiều mặt hàng khác của Triều Tiên do chương trình tên lửa và hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.
Theo Mỹ, Triều Tiên thu được khoảng 300 triệu USD một năm từ việc xuất khẩu hải sản. Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng nguồn tiền này giúp Bình Nhưỡng theo đuổi tham vọng hạt nhân.
Với việc Trung Quốc là thị trường nước ngoài lớn nhất tiêu thụ hải sản Triều Tiên, lệnh cấm vận gây tổn thất nặng nề. Ở Hồn Xuân, nhiều trung tâm chế biến hải sản buộc phải đóng cửa. Theo người dân địa phương, một số thương nhân thậm chí còn biểu tình phản đối.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 9, hải sản Triều Tiên vẫn được nhiều cửa hàng ở thành phố này bày bán. "Những con cua này được đem đến từ Triều Tiên tối qua", một phụ nữ lớn tuổi nói khi nhấc một con cua khỏi bể nước lạnh. Một kg cua có giá hơn 27 USD. "Hơi đắt hơn trước đây", bà thừa nhận.
Theo một chủ cửa hàng, thương lái bọc cua trong túi nilon ở Triều Tiên trước khi đưa vào Trung Quốc qua sông Đồ Môn, đường biên giới tự nhiên giữa hai nước. "Cả hai bờ cùng phối hợp. Chúng tôi không lo phải làm sao để có cua", bà nói.
Cách chợ khoảng 10 phút lái xe có một nhà hàng hải sản quảng cáo cua mới bắt. Một nữ nhân viên sẵn sàng đưa khách ra phía sau, đến chỗ những con cua của Triều Tiên. Cô cho biết nhà hàng sẽ làm món ngay khi khách chọn cua.
![Vị trí của thành phố Hồn Xuân (Hun Chun). Đồ họa: CNN.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/10/12/3-7916-1507799313.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qeBjy5xQbIh8W9TPBau_kg)
Vị trí của thành phố Hồn Xuân. Đồ họa: CNN.
Dưới các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc và Trung Quốc, những người buôn hải sản Triều Tiên chuyển sang hoạt động trên thị trường chợ đen. Lượng hải sản được tuồn vào Trung Quốc vì vậy không thể xác định được. Bắc Kinh không phản hồi câu hỏi về việc hải sản Triều Tiên được mua bán ở Hồn Xuân.
"Triều Tiên vốn đã buôn lậu nhiều hải sản ra nước ngoài từ trước khi có lệnh cấm vận", giáo sư Justin Hastings nghiên cứu về thương mại Triều Tiên tại Đại học Sydney, Australia cho biết. "Giờ đây nhiều hải sản Triều Tiên được bán như hàng Trung Quốc. Không có cách nào để phân biệt nguồn gốc của chúng".
Hồi tháng trước, các chuyên gia Liên Hợp Quốc ước tính Bình Nhưỡng đã xuất khẩu ít nhất 270 triệu USD các mặt hàng chịu lệnh cấm xuất khẩu của quốc tế như đồng và bạc từ tháng 2 đến tháng 8.
Theo báo cáo, các lệnh cấm vận không chặt chẽ và kỹ thuật lách luật của Triều Tiên đã giúp hàng hóa nước này tìm được thị trường tiêu thụ. Mục tiêu được đề ra trong các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc vì vậy đang bị làm suy yếu.
Vũ Phong