Thông tin trên được Cục trưởng Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), Nguyễn Tiến Lộc đưa ra tại cuộc họp báo hôm 6/7.
Năm ngoái, cơ quan chức năng Việt Nam và Mỹ phát hiện lô hàng 1,8 triệu tấn nhôm, trị giá khoảng 4,3 tỷ USD có nguy cơ gian lận xuất xứ Việt Nam để sang Mỹ và các nước. Đây là số nhôm của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo ông Lộc, thông qua đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, một tập đoàn nhôm rất lớn của Mỹ đề nghị phía Việt Nam xử lý vấn đề này. Trước tình hình trên, hải quan, công an tại Vũng Tàu đã phối hợp nhiều hoạt động kiểm tra suốt từ năm 2017. Sau đó, Tổng cục Hải quan đã quyết định thành lập lực lượng hỗn hợp gồm Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Kiểm tra sau thông quan điều tra, xác minh vụ việc lại một lần nữa.
"Đến nay, chúng tôi đã kết thúc quá trình điều tra, kiểm tra. Với tinh thần thận trọng và khẩn trương, đoàn kiểm tra hỗn hợp kết luận không đủ căn cứ để nói doanh nghiệp vi phạm", Cục trưởng Kiểm tra sau thông quan thông tin.
Ông Lộc lý giải - doanh nghiệp nhập khẩu nhôm, thậm chí nhôm thành phẩm vào Việt Nam để sản xuất ra hàng xuất khẩu. Các mặt hàng nhôm này có thể do điều kiện tiêu chuẩn kĩ thuật, chất lượng, hình dáng, doanh nghiệp thực hiện việc sản xuất lại.
"Tức là thành phẩm của công đoạn sản xuất này là nguyên liệu của công đoạn sản xuất khác. Vì thế, trong quá trình chuyển đổi đó, họ đáp ứng được tiêu chuẩn mã số", ông cho biết và nói thêm sắp tới sẽ báo cáo Tổng cục Hải quan, cơ quan hải quan Mỹ để thông tin đến chính phủ nước này.
Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ năm 2015 đến tháng 9/2019, Nhôm Toàn Cầu nhập khẩu hơn 2,44 triệu tấn nhôm nguyên liệu, xuất khẩu 400.000 tấn. Như vậy, doanh nghiệp này nhập bình quân 488.000 tấn mỗi năm, trong khi xuất khẩu 80.000 tấn, chỉ bằng 16,3% tổng lượng nhập và 40% công suất thiết kế của nhà máy.
Khi đó, Tổng cục trưởng Hải quan nhận định doanh nghiệp này có thể muốn lợi dụng chênh lệch thuế suất khi Mỹ áp thuế với nhôm nhập khẩu từ Việt Nam là 15% nhưng từ Trung Quốc lên đến 374%.
Còn đại diện Bộ Công Thương cho rằng vụ việc này là chống lẩn tránh, chứ không đơn thuần là chống gian lận thương mại hay giả mạo xuất xứ.
Anh Tú