Hai bà Thu và Dung lên mạng đọc báo. Ảnh: Pháp Luật TP HCM. |
Huyện Tân Thạnh (Long An) được biết đến như là địa phương “sạch” tệ nạn xã hội, nhất là nạn bia ôm. Thành tích này có phần đóng góp của hai người phụ nữ Lê Thị Lệ Dung và Nguyễn Thị Thu.
Bà Dung làm nghề buôn bán và là ủy viên BCH Hội LHPN thị trấn; bà Thu làm dịch vụ trang điểm. Khi tham gia vào chuyện “quốc sự” họ đã không tránh khỏi dị nghị “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
Một lần, tại nhà bà Thu, vị cán bộ có vai trò quan trọng trong huyện trực tiếp đến gặp hai bà để trao đổi chuyện xử lý cán bộ. Vị cán bộ đặt vấn đề, đại ý: nếu hai bà đồng ý “thương em út” bỏ qua cho thì tốt, còn nếu hai bà kiên quyết “làm rõ”, huyện đành phải kỷ luật một cán bộ.
Hai bà đã có trong tay bằng chứng không thể chối cãi vị cán bộ nọ vào quán bia ôm. Trong khi đó, chính bí thư huyện ủy từng phát biểu kiên quyết trong một cuộc tiếp xúc cử tri rằng sẽ kỷ luật bất cứ cán bộ nào bước vào quán bia ôm. Tại buổi nói chuyện đó, hai bà đã đồng ý “bỏ qua” (xóa hết các hình ảnh làm bằng chứng mà hai bà đã chụp được) vì “cậu ấy còn trẻ, tương lai còn dài, với lại mới vi phạm lần đầu”, bà Dung kể.
Một lần khác, hai bà đã không nhân nhượng, buộc lòng huyện phải kỷ luật cảnh cáo một số cán bộ. Lần đó, mấy vị cán bộ huyện xuống thị trấn kiểm tra một doanh nghiệp. Cả người bị kiểm tra và người kiểm tra kéo nhau đi nhậu, cuối cùng là vào quán “mát mẻ”. Ngay buổi tiếp xúc cử tri của HĐND huyện sau đó, hai bà đã chất vấn lãnh đạo huyện về “tư cách cán bộ”. Kết quả, mấy vị cán bộ phải chịu kỷ luật.
Trong nhà bà Thu có đầy đủ các sách luật thông dụng bà mua ở hiệu sách. Gia đình hai bà thuộc loại hiếm hoi ở huyện vùng sâu Đồng Tháp Mười có máy vi tính kết nối Internet, vừa cho con học hành, vừa giúp hai bà lên mạng đọc báo, bổ sung thông tin. Người dân ở thị trấn Tân Thạnh vẫn coi hai bà là những người “vác tù và” đáng trân trọng.
(Theo Pháp Luật TP HCM)