Cảnh sát thành phố San Francisco được điều đến hiện trường chiều 4/5 và phát hiện hai phụ nữ, 65 tuổi và 85 tuổi, bị thương. Các nạn nhân được chuyển đến bệnh viện, song hiện chưa rõ tình trạng của họ.
Nhân chứng nói rằng một người đàn ông cầm dao đi trên phố, đến gần một trạm xe buýt, đâm hai người phụ nữ và bỏ đi.
Cảnh sát đã bắt nghi phạm 54 tuổi vài giờ sau đó. Người đàn ông này sinh sống tại San Francisco.
Người Mỹ gốc Á đã trở thành mục tiêu của một số cuộc tấn công vô cớ ở khu vực vịnh San Francisco những tháng gần đây và ở các thành phố khác của Mỹ. Công tố viên đã đệ đơn cáo buộc tội hành hung và thù ghét đối với một người đàn ông vào tuần trước. Người này bị cho là đã lăng mạ chủng tộc trước khi hành hung Carl Chan, chủ tịch Phòng Thương mại Khu Phố người Hoa ở thành phố cảng Oakland.
Hồi tháng 3, cụ ông gốc Việt 83 tuổi cũng bị tấn công và ngã gãy cổ ở San Francisco. Cụ bà 77 tuổi cũng trở thành nạn nhân của vụ tấn công tương tự. Cảnh sát đã bắt một người đàn ông vì tội hành hung và ngược đãi người cao tuổi trong hai trường hợp trên.
Một cụ ông khác 83 tuổi bị xô ngã hồi tháng 2, dẫn đến gãy xương hông và phải nằm viện nhiều tuần để phục hồi.
Trung tâm Nghiên cứu thù hận trong chủ nghĩa cực đoan tại Cal State San Bernardino đã kiểm tra dữ liệu của cảnh sát từ 16 khu vực pháp lý trên khắp nước Mỹ, cho thấy báo cáo về tội ác chống người gốc Á tăng 164% trong quý đầu tiên năm 2021 so với với cùng kỳ năm trước. New York chứng kiến mức tăng mạnh nhất với 223%, tiếp theo là San Francisco với 140%, Los Angeles 80% và Boston là 60%.
Brian Levin, tác giả của báo cáo, cho biết các khu vực pháp lý trên được chọn vì đông người Mỹ gốc Á và có lịch sử thu thập dữ liệu tội phạm thù ghét đáng tin cậy. "Đây mới chỉ là số liệu của 1/4 năm và tại 16 khu vực pháp lý. Thật kinh hoàng", ông nói.
Tội ác thù hận được định nghĩa là những hành vi phạm tội được thúc đẩy bởi các đặc điểm như chủng tộc, tôn giáo hoặc khuynh hướng tình dục. Các chuyên gia chỉ ra một số yếu tố đằng sau sự gia tăng này, gồm sử dụng ngôn ngữ kỳ thị như "Kung flu" và "virus Trung Quốc" trong đại dịch Covid-19.
Huyền Lê (Theo AP, Tribune)