Sống chung với bệnh trĩ suốt 12 năm nay, gần đây người phụ nữ nghe nhiều người mách nên đắp thuốc nam để chữa. Sau khi đắp thuốc chị bị đau nhiều hơn, 6 ngày sau phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu.
Bệnh nhân còn lại bị trĩ khoảng một năm nay, ngại nên không vào viện điều trị. Chị mua thuốc nam gồm 2 gói, "gói màu xanh bôi cho rụng trĩ, gói màu trắng sau khi rụng trĩ thì bôi để mau lành". Đắp thuốc được 4 ngày, đau quá chị phải vào viện.
Bệnh viện đã mổ cắt trĩ cho cả hai bệnh nhân. Theo bác sĩ Nguyễn Quang Hòa, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp cả hai bệnh nhân đều bị trĩ ở giai đoạn nhẹ song không đến bệnh viện mà tự ý điều trị bằng thuốc nam nên bệnh nặng hơn. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, hậu môn bị hoại tử.
Bác sĩ khuyên người dân có những dấu hiệu bất thường ở vùng hậu môn, cần đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời.
Trĩ là bệnh phổ biến tại Việt Nam, hơn 50% dân số mắc phải và ngày càng tăng do lối sống, sinh hoạt. Bệnh thường gặp ở người làm công việc nặng nhọc, phụ nữ thời kỳ sinh đẻ, người hay dùng chất cay nóng. Cường độ làm việc quá nhiều, căng thẳng, thức khuya, sinh hoạt đảo lộn, ăn uống không đúng giờ, ăn uống không lành mạnh, nhiều rượu bia, ngồi nhiều ít vận động... là yếu tố gây bệnh.
Có 3 dạng trĩ là trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Mỗi loại có những triệu chứng riêng. Do đó người bệnh cần biết rõ thông tin để phát hiện sớm, chọn cách điều trị phù hợp. Bệnh nếu không được điều trị có thể dẫn đến một số biến chứng như xuất huyết, búi trĩ sa xuống, nghẹt lại gây hoại tử, áp xe hậu môn, viêm tắc. Thậm chí cục máu đông có thể theo hệ thống tuần hoàn gây tình trạng áp xe gan, áp xe mật, áp xe phổi...
Biểu hiện ban đầu và thường gặp nhất của bệnh là đại tiện ra máu. Chảy máu thường xảy ra ở bệnh nhân có kèm theo táo bón. Người bệnh cũng có thể bị sa búi trĩ, là triệu chứng cảnh báo tình trạng bệnh chuyển biến nặng. Ở độ 2, búi trĩ sa xuống rồi có thể tự co lên được, đến độ 3 trĩ sa xuống phải dùng tay nhét vào. Ở độ 4, trĩ sa hoàn toàn. Một số bệnh nhân có thể đau rát hậu môn khi đi vệ sinh, táo bón hoặc tiêu chảy.
Phòng bệnh quan trọng nhất là chế độ ăn tránh táo bón, ăn nhiều rau xanh để tăng tính nhuận tràng, giảm các chất kích thích như ớt, bia rượu. Đặc biệt chú ý vận động đều đặn, tránh ngồi nhiều và uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
Hà An