Ngày 2/12, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2025, TP Hải Phòng sẽ điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện để mở rộng quận Hồng Bàng, thành lập quận An Dương và TP Thủy Nguyên.
Đến năm 2030, TP Hải Phòng sẽ có 9 quận gồm 7 quận hiện nay là Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Đồ Sơn, Kiến An, Dương Kinh và hai quận mới An Dương, Kiến Thụy, một thành phố loại 3 Thủy Nguyên và 5 huyện An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Bạch Long Vỹ, Cát Hải. Sau năm 2030, các huyện An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng được xây dựng thành thị xã, huyện Cát Hải thành quận biển đảo.
TP Thủy Nguyên có diện tích hơn 26.000 ha, định hướng là đô thị loại 3 vào năm 2025, hướng tới đô thị loại 2 vào năm 2035, đạt tiêu chí phát triển xanh - thông minh, gắn với trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố. Đến năm 2035, thành phố có khoảng 600.000 người và đến 2045 khoảng 725.000 người.
Hiện huyện Thủy Nguyên có dân số và diện tích lớn nhất TP Hải Phòng với 35 xã, 2 thị trấn, xấp xỉ 334.000 người.
Theo quy hoạch, cảng biển Hải Phòng thuộc nhóm cảng biển số 1 với quy mô, chức năng là cảng biển đặc biệt, bao gồm các khu bến Lạch Huyện, Đình Vũ, sông Cấm - Phà Rừng, Nam Đồ Sơn, Văn Úc, bến cảng huyện đảo Bạch Long Vĩ và các bến phao, khu neo đậu chuyển tải, khu neo đậu trú bão.
Thành phố sẽ hoàn thành đầu tư khu bến cảng Lạch Huyện và di dời bến cảng trên sông Cấm; đầu tư phát triển bến cảng tại khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc; nâng cấp cụm cảng cạn Đình Vũ với công suất 300.000-550.000 TEU/năm; xây dựng mới cảng cạn Kiến Thụy với công suất 100.000-150.000 TEU/năm (một TEU bằng 26,28 tấn).
Đến năm 2030, TP Hải Phòng sẽ xây dựng thêm 8 bến xe liên tỉnh (hiện có bốn), làm cao tốc Ninh Binh - Hải Phòng, mở rộng tuyến đường liên vùng, xây dựng thêm tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng mới kết nối với cảng biển. Tuyến đường sắt ven biển nối Nam Định - Thái Bình cũng được định hướng xây dựng.
Trong tương lai thành phố sẽ nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Cát Bi theo quy hoạch được duyệt; quy hoạch xây dựng sân bay chuyên dùng tại Đồ Sơn, Cát Bà, Bạch Long Vĩ phục vụ du lịch, cứu hộ và nghiên cứu xây dựng cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng.
Các nghĩa trang đang nằm trong khu dân cư, không còn phù hợp với quy hoạch như Ninh Hải (quận Dương Kinh) và Nghĩa Lộ (huyện Cát Hải) sẽ được đóng cửa. TP Hải Phòng sẽ mở rộng nghĩa trang Phi Liệt (huyện Thủy Nguyên), xây mới nghĩa trang Đồng Rừng (huyện Tiên Lãng) và An Sơn (huyện Thủy Nguyên) với hướng ưu tiên hỏa táng theo công nghệ hiện đại.
Về kinh tế, đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp GRDP của TP Hải Phòng vào tổng sản phẩm (GDP) của cả nước đạt khoảng 6,8%. Để làm được điều đó, giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố phải tăng 13,5%/năm. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 15,3%/năm (chiếm 51,7% cơ cấu nền kinh tế), dịch vụ tăng 12,5%/năm (chiếm 43,2% cơ cấu nền kinh tế) và nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,9%/năm (chiếm 1% cơ cấu nền kinh tế).
Theo quy hoạch được phê duyệt, thu ngân sách của TP Hải Phòng năm 2030 đạt khoảng 300.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa khoảng 90.000-98.000 tỷ đồng, phát triển dựa vào ba trụ cột kinh tế là dịch vụ cảng biển - logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế. GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 21.700 USD vào năm 2030.
Năm 2022, GRDP bình quân đầu người của Hải Phòng đạt 7.292 USD, thu ngân sách hơn 100.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 28,86 tỷ USD, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng trên địa bàn đạt 168 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố gấp 1,5 lần bình quân chung của cả nước.
Lê Tân