Chủ nhật, 23/2/2025
Thứ tư, 31/5/2023, 05:00 (GMT+7)

Hải Phòng qua ký họa kiến trúc

Hải PhòngĐường phố, công trình tiêu biểu của thành phố Hải Phòng được những kiến trúc sư trẻ lột tả qua ký họa.

Trụ sở UBND thành phố ở số 18 đường Hoàng Diệu, quận Hồng Bàng được người Pháp xây dựng ngay bên bờ sông Cấm từ năm 1905.

Công trình đã trải qua nhiều lần tu bổ, vẫn mang đậm nét kiến trúc Pháp.

Bưu điện trung tâm là công trình được xây dựng từ năm 1905 trên đường Nguyễn Tri Phương. Công trình có bố cục đối xứng, hoành tráng và là điểm nhấn không gian đô thị.

Cũng trên đường Nguyễn Tri Phương còn có Ngân hàng Nhà nước. Công trình được xây dựng bằng những phiến đá xanh từ thời Pháp để làm trụ sở Ngân hàng Đông Dương

Bến cảng Hoàng Diệu - cảng chính Hải Phòng, được người Pháp xây dựng từ năm 1874. Hiện nay, cảng nằm trong nội đô thành phố. Năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải và Thành ủy Hải Phòng đã thống nhất chủ trương di dời bến cảng Hoàng Diệu.

Góc phố Tam Bạc từ góc nhìn bên phía đường Thế Lữ.

Phố Tam Bạc dài hơn 1,4 km kéo dài từ cầu Lạc Long, dọc theo sông Tam Bạc đến phố Quang Trung. Phố được mở từ thời Pháp thuộc, ban đầu gồm hai đoạn phố với tên gọi là Marésanne Proc và Gaull de Luis. Năm 1953, phố được đổi tên là Bạch Thái Bưởi. Sau năm 1954, chính quyền cách mạng tiếp quản thành phố và đổi tên thành Tam Bạc như ngày nay.

Trước khi được cải tạo năm 2018, phố Tam Bạc cũ kỹ nhưng tạo cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, văn học.

Một góc phố Bến Bính, nơi từng có bến phà lớn và sầm uất bậc nhất thành phố Hải Phòng.

Từ năm 2019, cầu Hoàng Văn Thụ nối huyện Thủy Nguyên với nội thành Hải Phòng thông xe, bến phà Bình đóng cửa vĩnh viễn khiến nhiều người bùi ngùi tiếc nuối.

Phố Lãn Ông nối phố Tam Bạc với đường Quang Trung. Phố chỉ dài 220 m nhưng rất đông đúc, ra đời từ năm 1885 với tên Bắc Ninh. Đến năm 1954 mới có tên Lãn Ông vì có nhiều hiệu thuốc. Phố này vốn có nhiều người gốc Hoa sinh sống.

Chợ Con là tuyến phố dài 400 m thuộc quận Lê Chân nối phố Hàng Kênh với đường Hồ Sen, nơi có một chợ khá sầm uất.

Thời Pháp, phố này có tên là Route du Marche de Cho Con, vì người Pháp đặt chợ sắt ở khu nhượng địa và gọi là chợ lớn, chợ ở khu bản xứ gọi là chợ con.

Theo ông Trịnh Văn Minh, CLB ký họa kiến trúc Hải Phòng mới được thành lập, do đó, các thành viên chưa kịp vẽ lại nhiều công trình kiến trúc của thành phố nay đã biến mất. Sắp tới, họ đi thực tế để vẽ nhiều hơn, tạo kho tư liệu và tổ chức trưng bày giới thiệu tác phẩm đến khán giả.

CLB ký họa kiến trúc Hải Phòng triển lãm hơn 30 bức vẽ tại khu vực bờ hồ Tam Bạc.

Hoạt động này nhằm hưởng ứng Festival âm nhạc đường phố năm 2023 dịp 68 năm ngày giải phóng Hải Phòng.

Theo kiến trúc sư Trịnh Văn Minh, người sáng lập, cố vấn cho câu lạc bộ, đây là sân chơi cho kiến trúc sư trẻ, sinh viên ngành kiến trúc có đam mê và mong muốn lưu lại hình ảnh tiêu biểu của thành phố Hải Phòng.

Lê Tân
Ảnh: CLB Ký họa kiến trúc Hải Phòng