Trước thông tin thành phố sẽ chi 269 tỷ đồng tặng quà cho hơn 587.000 hộ dân trên địa bàn, mỗi hộ một bộ ấm chén và cờ Tổ quốc, ông Ngô Đăng Lợi - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Hải Phòng, nói "đây là món quà nhỏ song rất ý nghĩa".
Theo ông, cờ Tổ quốc sẽ là tặng phẩm thiêng liêng với mỗi gia đình dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thành phố; còn bộ ấm chén là vật dụng thiết thực hàng ngày.
Tuy nhiên, ông Vũ Trọng Kim - đại biểu Quốc hội, Uỷ viên đoàn chủ tịch MTTQ VN, cho rằng "tặng quà là việc làm mang tính hình thức nhân ngày kỷ niệm giải phóng thành phố, không có ý nghĩa phúc lợi cho người dân".
Ông Kim phân tích, bộ ấm chén đúng là vật dụng thường ngày của các gia đình, nhưng nằm trong khả năng mua sắm nên rất ít hộ không có hoặc còn thiếu. Vì thế, với những hộ đã có đồ dùng này rồi, món quà của thành phố sẽ lãng phí.
"Mỗi suất quà có giá trị không lớn, nhưng tổng số tiền thành phố Hải Phòng chi không phải nhỏ, trong khi cả nước đang phải thắt lưng, buộc bụng để dành ngân sách cho an sinh xã hội như xây trường học, bệnh viện", ông Vũ Trọng Kim nhận xét.
Theo ông, "món quà" có ý nghĩa nhất với người dân là các địa phương xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội, nhà tình nghĩa; lập thêm sổ tiết kiệm cho người nghèo, người có công.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cho rằng Hải Phòng nên dành ngân sách cho các công trình mang tính an sinh xã hội hoặc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
"Trong khi cả nước đang gặp khó khăn vì Covid-19, việc làm của Hải Phòng sẽ khiến nhiều người băn khoăn", ông Nhưỡng nói.
Theo ông Nhưỡng, Hải Phòng là một trong số ít địa phương thu ngân sách cao, nhưng nhiều nơi đang khó khăn, phụ thuộc vào ngân sách Trung ương do vậy việc chi tiêu cần phù hợp với tình hình chung của đất nước.
Ông cũng đề xuất Quốc hội giám sát việc các địa phương tặng quà người dân, để không gây lãng phí.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Phó chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, cho hay, trong lịch sử Việt Nam không có truyền thống nhà nước tặng quà người dân. Thời phong kiến, vua chỉ tặng thưởng những người có tài, có công với nước, với triều đình.
Vì vậy, ông không đồng tình việc địa phương nào đó trích ngân sách để tặng quà người dân mỗi dịp kỷ niệm, bởi không cần thiết. "Trước đây tỉnh Vĩnh Phúc cũng tặng mỗi gia đình một bộ ấm chén, nhưng tôi được biết nhiều người không đồng tình, vì đó không phải món quà thiết thực", ông Sơn nói.
Hôm qua 3/3, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng giải thích, quyết định tặng quà nêu trên đã nghiên cứu kỹ lưỡng, được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân.
Lãnh đạo Hải Phòng nói đây là món quà có ý nghĩa về mặt tinh thần, là vật kỷ niệm mà thành phố muốn tri ân tới toàn thể nhân dân đã cùng các cấp chính quyền xây dựng, phát triển Hải Phòng trong suốt thời gian qua.
Ngày 28/2, HĐND TP Hải Phòng thông qua tờ trình của UBND TP về việc tặng quà các hộ dân nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thành phố (13/5). Hơn 587.000 hộ dân sẽ được tặng quà là bộ ấm chén và cờ Tổ quốc, mỗi suất trị giá không quá 500.000 đồng. Thời gian tặng quà bắt đầu từ tháng 5 và hoàn thành trong tháng 6.
Trước đó năm 2017, kỷ niệm 20 năm tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng tặng mỗi gia đình một bộ ấm chén.