Sáng 25/5, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố PAR INDEX năm 2021. Đây là năm thứ 10 liên tiếp, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành được khảo sát, đánh giá.
PAR INDEX được xác định qua 8 chỉ số thành phần gồm: Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa nền hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
Năm 2021 có 60 tỉnh, thành ghi nhận chỉ số cải cách hành chính cao hơn năm 2020, trong đó tăng cao nhất là Quảng Ngãi (hơn 13%), thấp nhất là Đồng Tháp (0,03%). 3 địa phương giảm chỉ số so với năm 2020 là Đồng Nai, Tiền Giang và Hà Nam.
Sau nhiều năm trong nhóm dẫn đầu, năm 2021 Hải Phòng lần đầu đứng số 1. Quảng Ninh sau 4 năm liên tiếp đứng đầu, năm 2021 lùi về xếp thứ 2. Đà Nẵng đã trở lại nhóm top 5 địa phương dẫn đầu, với vị trí thứ 3. Đứng thứ 4 và 5 lần lượt là Thừa Thiên Huế và Vĩnh Phúc. Cuối bảng là Kiên Giang, đây cũng là địa phương duy nhất có kết quả chỉ số cải cách hành chính dưới 80% (nhóm C).
Hà Nội và TP HCM đều bị thụt lùi so với năm 2020, trong đó Hà Nội xếp thứ 10 bảng xếp hạng (tụt 2 bậc) và TP HCM xếp 43 (tụt 20 bậc).
Ở nhóm 17 bộ, cơ quan ngang bộ, ba cơ quan có kết quả chỉ số cải cách hành chính hơn 90%. Đây cũng là ba cơ quan đứng đầu bảng xếp hạng năm 2021, lần lượt là Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ba bộ đứng cuối bảng không thay đổi so với năm 2020, nhưng có sự xáo trộn vị trí khi Bộ Khoa học và Công nghệ từ thứ 15 năm 2020 tụt xuống cuối bảng, xếp thứ 17. Hai đơn vị còn lại là Bộ Y tế (thứ 15) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (thứ 16).
Về chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2021, hai địa phương dẫn đầu không có sự thay đổi so với năm 2020 khi Quảng Ninh vẫn xếp thứ nhất và Hải Phòng đứng thứ 2. Hai tỉnh xếp cuối bảng xếp hạng là Cao Bằng và Bình Phước.
Theo Bộ Nội vụ (đơn vị chủ trì đánh giá SIPAS), việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ công, sự phục vụ của cơ quan hành chính, tập trung vào 5 yếu tố cơ bản: Tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức giải quyết công việc; kết quả dịch vụ; việc tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị.
Kết quả đánh giá về số lần đi lại của người dân, tổ chức để thực hiện dịch vụ công cho thấy có hơn 10% số người được hỏi phải đi lại nhiều lần hơn quy định để nhận được kết quả dịch vụ. Trong đó 6,75% đi lại 3 lần và 3,26% đi lại từ 4 lần trở lên.
46/63 tỉnh, thành có người dân, tổ chức trả lời bị công chức phiền hà, sách nhiễu trong thực hiện dịch vụ công. 22/63 tỉnh có người dân, tổ chức trả lời phải đưa tiền ngoài phí/lệ phí theo quy định trong thực hiện dịch vụ công.
Về việc cơ quan xin lỗi khi trả kết quả không đúng hẹn, chỉ có 4/57 tỉnh, thành trễ hẹn xin lỗi người dân, tổ chức.
Đánh giá SIPASS cũng chỉ ra rằng, nội dung mà người dân mong đợi nhất là tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính và tăng cường nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính.
Chỉ số SIPAS 2021 được khảo sát với 30.000 người dân tại 63 tỉnh, thành.
Võ Hải - Sơn Hà