Ngày 19/9, trong cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết, Hải Phòng sẽ rà soát lại việc thu phí hạ tầng cảng biển để "Hội đồng Nhân dân thành phố xem xét, điều chỉnh trong phiên họp vào tháng 12 tới". Do vậy, hiện thành phố chưa thể công bố cụ thể loại phí nào được giảm hay giữ nguyên.
Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam, thời gian qua Hải Phòng đã thực hiện việc thu phí hạ tầng cảng biển "quá cao và quá nhanh", khiến doanh nghiệp phản ứng không kịp.
"Với mức thấp nhất dành cho một container 20 feet là 250.000 đồng, 40 feet là 500.000 đồng, hàng rời là 2.000-50.000 đồng một tấn, thì mỗi doanh nghiệp dệt may phải gánh thêm chi phí từ vài trăm triệu đồng cho đến nhiều tỷ đồng mỗi năm, tuỳ theo quy mô", ông Cẩm nói và cho rằng, hiện các doanh nghiệp đã phải gánh nhiều loại thuế, phí nên "thêm một loại phí là quá sức, có thể khiến hàng nghìn lao động mất việc".
Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết tính tổng chi phí hiện một container từ Việt Nam đến Yokohama (Nhật Bản) mất 1.000 USD; trong khi từ Quảng Châu (Trung Quốc) đến thành phố cảng trên chỉ có 170 USD.
Từ số liệu này, ông Cung cho rằng Hải Phòng nên đánh giá lại "được và mất" của việc thu phí hạ tầng cảng biển, "liệu có giải pháp hay hơn, ví dụ Chính phủ xem xét tầm quan trọng của Hải Phòng để đầu tư một khoản lớn xây dựng hạ tầng cảng biển, thay vì cứ thu phí doanh nghiệp như hiện nay".
Bí thư Thành uỷ Lê Văn Thành cho hay, trong 9 tháng đầu năm, Hải Phòng thu phí hạ tầng cảng biển được khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó 50% là từ hoạt động tạm nhập tái xuất.
Theo ông, Hải Phòng có tới 39 cảng biển và hệ thống giao thông cảng biển, vận tải container "chạy trong thành phố". Do vậy, Hải Phòng phải chủ động đầu tư hạ tầng của thành phố, bởi theo quy định thì Chính phủ chỉ đầu tư các công trình tầm cỡ quốc gia.
"Việc thu phí hạ tầng cảng biển cũng để góp phần xây dựng hạ tầng, tránh ách tắc giao thông cho các doanh nghiệp. Ở thành phố nhiều lúc tắc đường đến 6 tiếng từ cửa cảng ra đến trung tâm thành phố", ông Thành nói và cho hay Hải Phòng đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho hạ tầng trong những năm qua, vì vậy nguồn thu phí cảng biển chỉ chiếm phần nhỏ.
Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu Hải Phòng đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu phí hạ tầng cảng biển, sớm công bố việc điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Theo ông, các bộ ngành liên quan và Hải Phòng cũng cần đẩy mạnh việc đổi mới quản trị cảng biển.
"Tôi đến thăm cảng Đình Vũ, thấy chưa có gì mới so với nhiều năm trước. Một trong những cảng hiện đại nhất phía Bắc mà chiều dài dọc theo mép bến chỉ khoảng 425m là quá chật. Thành phố có quá nhiều cảng biển sẽ cắt nát quy hoạch và đầu tư; cộng thêm thiết bị lỗi thời, nâng đỡ không tốt, thông quan lại chậm nữa thì không thể cạnh tranh được", ông Dũng nhấn mạnh.
Từ ngày 1/1/2017, tất cả hàng hóa thông qua các cảng biển tại Hải Phòng phải nộp phí dịch vụ hạ tầng cảng cho thành phố. Theo tính toán của Hải Phòng, nếu tổng sản lượng hàng hóa qua cảng biển năm 2017 ước bằng năm 2016 là 80 triệu tấn, thì trong năm 2017, ngân sách của thành phố sẽ có thêm 1.500 tỷ đồng từ việc thu loại phí mới. Do hầu hết các cảng biển lớn đều nằm trên địa bàn quận Hải An nên quận này được thành phố giao cho nhiệm vụ bố trí nhân sự, lập điểm thu và thông báo thu. Sau khi nhận được thông báo thu phí loại hình dịch vụ này từ UBND quận Hải An, hàng trăm doanh nghiệp đã có ý kiến phản đối vì cho rằng căn cứ thu, mức thu chưa hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mức giá sản phẩm lên cao sẽ khó cạnh tranh được với các sản phẩm của nước ngoài. |