Hãng thông tấn nhà nước Xinhua cho hay Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký sắc lệnh phong tặng danh hiệu danh dự cho tất cả các phi công trong phi đội thực hiện các cuộc cất cánh và hạ cánh thử nghiệm trên tàu Liêu Ninh.
Hai phi công đã hy sinh tính mạng của mình trong các cuộc thử nghiệm, hãng cho biết nhưng không hé lộ chi tiết về thời gian và nguyên nhân.
Bản tin trên Xinhua được đăng tải vào ngày 28/8 nhưng không gây được chú ý rộng rãi vào thời điểm đó. Đến hôm qua, các trang blog quốc phòng của Mỹ mới cập nhật và đưa đường dẫn tin lên trang blog của Viện Hải quân Mỹ.
Việc bay thử nghiệm trên tàu sân bay vốn nguy hiểm và việc hai phi công Trung Quốc tử nạn cũng không phải là điều quá bất thường. Tuy nhiên, quân đội nước này thường giữ bí mật về các sự cố và cũng không có vụ tai nạn chết người nào liên quan đến tàu Liêu Ninh được báo cáo vào thời điểm đó.
Loại máy bay được Trung Quốc thử nghiệm trên tàu sân bay là chiến đấu cơ đa nhiệm J-15, một bản sao của Su-33 Nga. J-15 còn có biệt danh là "cá mập bay".
Bắc Kinh bắt đầu hoạt động thử nghiệm chiến đấu cơ trên tàu sân bay vào cuối năm 2012, với niềm tự hào về năng lực quân sự ngày càng phát triển. Truyền hình quốc gia đã phát sóng nhiều giờ liền cảnh các phi cơ cất cánh và hạ cánh, trong khi người dùng Internet khắp cả nước đăng tải các bức ảnh tự chế về phi hành đoàn.
Trung Quốc mất một thập kỷ để tái tạo tàu sân bay từ thời Xô viết mua của Ukraine, trước khi vận hành nó năm 2012 với cái tên Liêu Ninh. Tuy nhiên, con tàu chậm và nhỏ hơn so với các tàu sân bay Mỹ cũng như không thể chở nhiều máy bay.
Liêu Ninh hiện vẫn trong giai đoạn thử nghiệm trên biển. Giới chức Trung Quốc không cho biết khi nào con tàu sẽ hoàn tất việc này.
Anh Ngọc