Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail (FRT) vừa công bố tài liệu cho phiên họp thường niên giữa tháng 4, trong đó kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm hơn một nửa, còn 240 tỷ đồng. Hai năm trước đó, doanh nghiệp đã lập đỉnh lợi nhuận với 554 tỷ (năm 2021) và 485 tỷ đồng (năm 2022).
Nguyên nhân chính khiến FRT dự tính lợi nhuận 2023 giảm mạnh, dù tổng doanh thu vẫn có thể tăng trưởng hai chữ số (13%) là khó khăn tại FPT Shop. Chuỗi bán lẻ này năm ngoái đóng góp gần 70% trong tổng doanh thu hơn 30.000 tỷ của FRT.
Ban lãnh đạo FRT nhận định năm nay, FPT Shop vẫn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn từ các yếu tố bất lợi đã bắt đầu từ quý IV/2022 như sức mua các mặt hàng ICT giảm mạnh, thị trường mua trả góp cũng liên tục suy giảm, trong khi chi phí tài chính, lạm phát tăng cao. Doanh nghiệp này cũng chưa thể dự báo thời điểm thị trường phục hồi.
Không lên kế hoạch giảm lãi như FRT, nhưng đối thủ Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Dộng (MWG) chỉ đặt mục tiêu tăng 1% doanh thu (lên 135.000). Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009 của doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ. Dù vậy, con số này cũng đã được MWG đưa ra với giả định sức mua phục hồi tích cực từ nửa cuối năm. Thậm chí, lãnh đạo công ty cũng cho biết còn có thể điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh tùy thuộc vào thực tế thị trường.
Theo kết quả sơ bộ những tháng đầu năm, sức mua điện thoại và điện máy tại hệ thống này giảm mạnh hơn dự báo. Do những khó khăn của nền kinh tế, khách hàng nhóm trung, cao cấp cũng thận trọng, trì hoãn khi mua các sản phẩm có giá trị cao. Khách hàng ở phân khúc thấp gặp khó hơn khi mua trả góp qua các gói vay tiêu dùng. Để hỗ trợ, thu hút khách hàng, cả hai ông lớn đều hướng tới việc đưa ra chính sách khuyến mại, giảm giá năm nay.
Trước thực trạng này, FRT nói rằng sẽ thận trong việc mở rộng FPT Shop và cũng không đưa ra chỉ tiêu phát triển chuỗi này như mọi năm. Tương tự, MWG cũng không nhắc tới việc mở mới chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh. Hiện tại, thuê mặt bằng cũng là một trong những chi phí lớn mà doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài muốn tiết giảm để đảm bảo sức chống chịu trong lúc thị trường nhiều thách thức.
Với chuỗi nhà thuốc An Khang sau giai đoạn đua mở rộng, MWG cũng sẽ tạm ngừng chiến lược này với mạng lưới 500 cửa hàng để tập tập trung tăng doanh thu mỗi điểm bán, kiểm soát chi phí và giảm lỗ.
Ở chiều ngược lại, FRT muốn có thêm ít nhất 400 nhà thuốc Long Châu đến cuối năm. Tham vọng này được đưa ra khi ngoài An Khang, đối thủ lớn nhất Pharmacity cũng thay đổi chiến lược để tinh lọc hệ thống từ quý IV/2022.
Cuối năm ngoái, Long Châu đạt mốc 1.000 nhà thuốc, hiện diện tại 63 tỉnh, thành phố và đã vươn lên dẫn đầu về quy mô trên thị trường. Doanh thu từ chuỗi nhà thuốc này năm 2022 cũng tăng gấp 2,4 lần và tiếp tục được coi là động lực tăng trưởng cho FRT ở giai đoạn hiện tại. Công ty sẽ tập trung tối ưu dòng tiền, đáp ứng nguồn vốn cho việc mở rộng Long Châu.
Còn tại MWG, Bách Hoá Xanh được kỳ vọng là điểm sáng duy nhất với mục tiêu tăng trưởng doanh thu hai chữ số, đạt điểm hòa vốn cuối năm nay. Sau tái cấu trúc, chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu này được ban lãnh đạo công ty đánh giá "cho thấy những tín hiệu bền bỉ" trong giai đoạn thị trường khó khăn. Năm ngoái, Bách Hoá Xanh đạt doanh thu 27.000 tỷ đồng, chiếm 20% tổng doanh thu của MWG.
Anh Tú