Phạm Đình Tuyên đang là chủ đoàn tàu viễn dương. Tuổi ngoại ngũ tuần nhưng vẫn rất trẻ trung, phong độ. Nhưng ông không thể nào quên những ngày đầu đặt chân trên đất Mỹ: Cả gia đình sống ở New York ba tháng nhờ vào sự cứu trợ của Hội bảo trợ tị nạn. Mới đến nước ngoài bao nhiêu thứ khổ. Không có người thân, không biết tiếng Mỹ, không tiền, không gạo. Có lần ông đến Hội cứu trợ tị nạn xin được 24 USD, cả gia đình ăn một bữa đã hết 12 USD. Buổi tối vì buồn quá đi lang thang, tự nhiên sa vào một quán bia, một mình ngồi uống hết 12 USD còn lại. Uống xong mới nghĩ chẳng biết ngày mai vợ con sẽ sống bằng gì.
Sau khi gia đình ông đã được nhập cư chính thức thì mới có điều kiện để làm ăn. Ông và vợ ngày ngày đi làm thuê đủ mọi nghề, từ rửa bát, lau nhà, cắt cỏ... Có việc làm là sống rồi, hai vợ chồng ông chăm chỉ làm ăn. Chẳng mấy chốc cả gia đình đã dành dụm được ít vốn liếng, sau đó ông theo bạn bè chuyển nhà đến Boston, thuộc tiểu bang Massachusets. Tại đây, Tuyên mua tiệm giặt Lewandos có lịch sử từ 1706 của một người Mỹ. Sau đó, ông lại mua thêm một tiệm giặt nữa. Hai vợ chồng mỗi người làm chủ một tiệm. Do người Mỹ không có thói quen tự giặt quần áo, nên khách đến tiệm rất đông. Vợ chồng ông bỗng chốc giàu có. Khi có vốn lớn rồi lại kinh doanh thêm nghề vận tải biển. Giờ đây ông đã có một đoàn tàu viễn dương 5 chiếc chạy qua nhiều vùng biển trên thế giới.
Đến Boston hỏi bà con Việt kiều về ông Phạm Đình Tuyên thì ai cũng đều bảo ông ấy là một người thành đạt, là một triệu phú. Nhà của Phạm Đình Tuyên ở 192 Gardiner, Quincy (Boston), giữa khu định cư của những người giàu. Hai bên cửa có hai tượng sư tử to. Giữa sân có tượng vũ nữ ôm bầu rượu, tượng cá heo nhảy, bồn phun nước... Tất cả những thứ đó ông nói là đều mua từ làng đá nổi tiếng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và chở sang bằng tàu biển.
Anh Nguyễn Tuấn Bảo lại khá thành công với nghề lát gỗ sàn nhà, giờ đã là chủ hãng Floor ăn nên làm ra ở Mỹ và Cananda. Trước kia, người Hoa thường chiếm lĩnh các nghề giặt, lát sàn nhà, làm nail (làm móng tay, móng chân, cắt tỉa)... Nhưng nay người Việt đã dần vươn lên chiếm lĩnh và giàu lên. Riêng nghề floor (lát sàn) thì chẳng thợ nào sánh nổi với thợ Việt.
Tuấn Bảo làm cả nghề này ở Mỹ và Canada. Người Mỹ rất thích thợ Việt vì khéo tay. Nhiều gia đình Mỹ không để ý đến giá cả, công thợ mà chỉ cần đẹp. Nhà ở của họ sử dụng nhiều gỗ nên thợ làm quanh năm không hết việc. Vợ của Tuấn Bảo, chị Nena Thu Nguyễn nói nghề này được lắm. Chị giới thiệu ngôi nhà hai vợ chồng mới làm năm ngoái với vẻ toại nguyện. Nhà đẹp, xe hơi xịn, tiền gửi nhà băng... mọi thứ đều có cả rồi. Bây giờ chỉ mong dành thời giờ cho việc con cái học hành.
Chị kể nhà chị có 10 anh em, hồi gia đình mới sang Mỹ, tuy còn nhỏ nhưng chị đã phải làm lụng rất vất vả. Khi chưa đầy 10 tuổi, giữa cái lạnh giá của lúc trời mới gần về sáng, chỉ đã phải dậy bóc tôm giúp gia đình. Chị cứ làm thế không biết bao nhiêu năm để có tiền đi học. Giờ chị đã là thạc sĩ quản trị kinh doanh, lo hết cả công việc gia đình và kinh doanh.
Hai vợ chồng chị sẵn lòng giúp đỡ những người Việt Nam khác khi họ có khó khăn. Anh Bảo Tuấn, hằng ngày rất bận rộn, nhưng vẫn dành thời gian nói tiếng Việt với các con.
(Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam)