Bác sĩ Nguyễn Hữu Hậu, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng, Bệnh viện Gia An 115, ngày 18/2 cho biết bệnh nhân nhập viện vì đau đầu, buồn nôn. Chị bị động kinh đã nhiều năm.
Một tuần trước đó, chị thỉnh thoảng xuất hiện cơn đau đầu thoáng qua, hết đau khi nằm nghỉ. Vài ngày trước, chị cảm giác ớn lạnh từ vai cổ xuống sống lưng, không thể cử động vai cổ, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu nhiều.
Các bác sĩ xác định chị bị dị dạng động tĩnh mạch não (AVM) bán cầu trái, kích thước 32x39 mm, có xuất huyết não do vỡ túi phình động mạch. Bác sĩ Hậu cùng ê kíp đã chụp và nút dị dạng động tĩnh mạch não, nút túi phình mạch bằng kỹ thuật số hóa xóa nền (DSA).
Ca can thiệp kịp thời giúp bệnh nhân thoát hiểm, không bị bất kỳ di chứng nào sau cơn xuất huyết não. 6 tháng trước, ông ngoại của bệnh nhân cũng bị xuất huyết não do dị dạng mạch máu não, được ê kíp bác sĩ Hậu cứu sống.
Theo bác sĩ Hậu, dị dạng động tĩnh mạch não là rối loạn mạch máu liên kết giữa động mạch và tĩnh mạch não. Do không triệu chứng hay dấu hiệu nhận biết nên bệnh thường ít được phát hiện sớm. Đây là dị dạng mạch máu bẩm sinh nguy hiểm nhất vì có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, phổ biến nhất là vỡ mạch dẫn đến đột quỵ do xuất huyết não hoặc gây áp suất tiếp giáp lên não dẫn đến động kinh co giật.
"Xuất huyết não nếu không được can thiệp kịp thời thì nguy cơ cao dẫn đến tử vong hoặc người bệnh chịu những di chứng nặng nề suốt đời", bác sĩ Hậu phân tích.
Nhiều trường hợp dị dạng động tĩnh mạch não có yếu tố di truyền trong gia đình như bệnh nhân này. Bác sĩ Hậu khuyến cáo, gia đình có người dị dạng mạch máu não, những người còn lại nên chủ động đi khám, tầm soát để phát hiện kịp thời. Dị dạng động tĩnh mạch não không điều trị có thể gia tăng kích thước và vỡ bất cứ lúc nào, gây xuất huyết não, dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn và nguy hiểm tính mạng.
Đau đầu ở người trẻ tuổi có thể là một dấu hiệu cảnh báo dị dạng mạch máu não. Nếu xuất hiện triệu chứng đau đầu, dù chỉ thoáng qua, người bệnh cũng không nên chủ quan.