Khan hiếm nguồn cung và "siết" van tín dụng là hai yếu tố tác động nhiều đến cục diện của thị trường bất động sản trong nửa đầu năm 2022. Đây cũng chính là hai "nút thắt" lớn cần được tháo gỡ để thị trường phục hồi và phát triển đúng hướng trong nửa năm còn lại.
Theo Hiệp hội bất động sản Việt Nam, bất động sản được xem là đầu tàu của cả nền kinh tế, đóng góp thông qua khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú, ăn uống và tài chính, ngân hàng...
Do đó, nếu thị trường này chững lại sẽ kéo theo hệ luỵ tới nhiều ngành nghề khác. Nhận định về thị trường nửa cuối năm 2022, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, cho rằng có 3 vấn đề thị trường sẽ phải đối mặt là nguồn cung ít, giá bán vẫn cao và tính thanh khoản chậm.
Theo ông Khương, nguyên nhân khiến thị trường kém thanh khoản là bởi quỹ đất hiện không phát triển được các dự án mới, gặp khó khăn và ách tắc về vấn đề pháp lý, cũng như nhà đầu tư đẩy lợi nhuận kỳ vọng lên quá cao.
Để làm rõ chuyển động của dòng tiền và xu hướng của thị trường bất động sản nửa cuối năm 2022, chuyên trang bất động sản CafeLand sẽ tổ chức buổi hội thảo "Dòng tiền và xu thế bất động sản cuối năm 2022".
Sự kiện diễn ra sáng 28/6 tại khách sạn Rex Sài Gòn (quận 1, TP HCM) do CafeLand tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về kinh tế, đầu tư và bất động sản: PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia Tài chính, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam. TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Tài chính Ngân hàng, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE, ThS. Hồ Bá Tình - Trưởng ban biên tập CafeLand.
Các chuyên gia sẽ đưa ra những phân tích, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về bối cảnh kinh tế và chính sách, các cơ hội đầu tư hiện nay. Qua đó doanh nghiệp nhà đầu tư có được các thông tin hữu ích phục vụ các chiến lược kinh doanh, đầu tư của mình.
Trong số những "lực cản" khiến thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chậm lại thì việc khơi thông dòng tiền được doanh nghiệp và người dân quan tâm hơn cả. Mặc dù, Ngân hàng nhà nước khẳng định không có chủ trương siết van tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, thực tế theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp và người dân họ đang thực sự gặp khó khăn trong việc tiếp cận được nguồn vốn vay trong thời gian gần đây.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, cho biết nguồn vốn tín dụng đối với nền kinh tế và thị trường bất động sản là mạch máu lưu thông, là bình oxy, dưỡng khí. Nếu không tiếp cận được nguồn vốn doanh nghiệp ngộp thở, có thể đi đến "tắc thở".
Thị trường bất động sản đang thiếu thanh khoản do nhiều dự án không thể triển khai, dẫn đến thiếu sản phẩm, trong khi nhu cầu của nhà đầu tư và người mua nhà rất lớn. Doanh nghiệp rất khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Theo các chuyên gia bất động sản, việc "siết" hay không dòng vốn vào bất động sản là yếu tố sống còn của thị trường trong thời gian tới.
Đăng ký tham gia sự kiện và đặt câu hỏi cho các chuyên gia cùng CafeLand tại đây
(Nguồn: CafeLand)