Những năm gần đây, số lượng các nhà văn tay ngang cầm cọ ngày càng nhiều. Nguyễn Huy Thiệp, Đoàn Lê, Trần Nhương, Đỗ Minh Tuấn, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Khắc Phục đều từng buông giấy bút để thử sức với bảng màu và toan. Sự chuyển hướng ít nhiều ồn ào ấy khiến người ta nghi ngại, hội họa chỉ là một lối rẽ khi các nhà văn đã bước đến ngõ cụt với văn chương. Cũng tham gia vào trào lưu này, nhưng tác giả Giàn thiêu khẳng định: "Tôi vẫn viết và không hề bế tắc. Nhưng tại sao lại không thử với hội họa chứ? Mỗi chúng ta đều có quyền được thất bại, cũng như quyền được ghi nhận mỗi khi thành công. Giới văn sĩ chúng tôi vẫn rất mở lòng khi các họa sĩ, nhạc sĩ cầm bút viết văn đấy thôi. Tôi nghĩ, ai có khả năng ở lĩnh vực nào cũng nên được khích lệ".
Nhà văn Võ Thị Hảo. Ảnh nhà văn cung cấp. |
Cơn mê hội họa đến với Võ Thị Hảo không bất ngờ, đường đột mà nó đã lẳng lặng ngấm dần từ những bận lang thang các bảo tàng xem tranh, những khi đến chơi nhà thấy bạn văn của mình cầm bút vẽ. Cho tới một lần, đi qua trường Mỹ thuật, đụng phải cọ, toan, màu, không cầm lòng nổi, chị mua về một đống, để sẵn trong nhà, chờ cảm hứng. Bức tranh đầu tiên đã ra đời trong một đêm khó ngủ, để theo sau đó là rất nhiều đêm chị mất ngủ vì bị đường nét và màu sắc hút hồn. Sau nhiều tháng vẽ - như dấn thân vào một cơn điên rồ - Võ Thị Hảo lựa được gần 30 bức tranh, để làm nên một Đường chân trời - có thể coi là vùng quẫy đạp mới cho cơn bốc đồng nghệ sĩ của nhà văn. Chị chọn tên gọi này cho bộ tranh bởi mong ước mở rộng đường bay cho những sáng tạo mới của mình.
Vẽ say mê và hồn nhiên như người ta không thể cưỡng nổi tình yêu, nhưng vẽ xong thì chị ngơ ngác, không biết tác phẩm của mình đẹp, xấu, hay dở ra sao. Và người đàn bà tuổi ngoài 50 đó đã nhẩy cẫng lên khi họa sĩ Lê Thiết Cương khen rằng tranh chị đẹp. Chính xác thì Lê Thiết Cương đã nhìn tranh của chị với tư cách là tác phẩm của một người vẽ không chuyên, để mà nhận xét: “Bảng mầu của Võ Thị Hảo không chói lọi, rạng rỡ, xanh đỏ tím vàng bắt mắt. Đó là một bảng mầu của khó đẹp, khó vẽ, khó xem nhưng cũng khó quên vì nó là mầu của trầm trầm, đùng đục, âm u, xám lạnh, khô, mầu của gạch ngói cũ, của lá úa, của nói thầm, của không rõ ràng… Buồn nhưng đẹp”. Anh không quên lưu ý thêm: “Nếu tranh chị bán với giá không quá cao thì tôi cũng mua vài bức”. Chừng ấy điều, đủ để làm vui một người “già tiếng” trong làng văn nhưng còn chập chững với hội họa.
Nhà văn Đỗ Thu Thủy. Ảnh: Hà Linh. |
Vẽ sớm hơn Võ Thị Hảo từ rất lâu và cũng là người táo bạo rủ bạn làm triển lãm, nhưng sắp đến giờ "mang con trình làng", Đỗ Thu Thủy lại run, lại ngượng ngùng, lại muốn chùn bước. Những tác phẩm của chị có tên gọi chung - Đàn bà. Nghĩa là một thế giới không có gương mặt đàn ông mà vẫn hiện hình bóng dáng, thói quen, cách nghĩ, lối sống của họ. Tác giả của ba tập thơ, hai tập truyện ngắn tâm sự: “Tôi vẽ đàn bà vì đàn ông còn bận lo xây dựng sự nghiệp, bận đi nhậu, bận đi chơi với bạn bè. Còn đàn bà thì bộn bề lo toan cơm áo, nhà cửa. Họ buồn, giận thì nuốt vào trong. Họ rảnh rỗi thì mơ mộng một chút, cho vơi bớt nhọc nhằn. Tôi vẽ đàn bà vì tôi thương đàn bà lắm”. Tranh của chị đẹp, gợi cảm và nữ tính.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nhận xét về tranh của Đỗ Thu Thủy: “Nhà thơ Đỗ Thu Thủy đã trải lòng mình trên những mầu, mảng, hình khối… lúc vội vã cuống cuồng, lúc âm thầm tĩnh lặng… Người đàn bà trong tranh của chị “Liệng” với đỏ của áo, đen của tóc, lao xao như một đàn chim… Dường như làm thơ không đủ với chị, chị muốn ngay lập tức với mầu và hình dàn trải, sắp xếp những gì lắng sâu trong tâm hồn mình”.
Không vẽ để cầu danh, cầu lợi, hai nữ nhà văn đã tìm đến hội họa như một cách giải phóng cảm xúc. Chính vì thế, mà khi vẽ Đỗ Thu Thủy đã không còn cảm thấy trầm cảm, còn Võ Thị Hảo từng “khóc như một con chó con khi hoàn thành bức tranh Tự do vào lúc đêm đã về sáng”.
Triển lãm tranh chung của Võ Thị Hảo và Đỗ Thu Thủy sẽ diễn ra từ 3 đến 9/11 tại Trung tâm Nghệ thuật Việt, 42 Yết Kiêu, Hà Nội.
Lưu Hà