Đạo diễn Hải Ninh.
- Bộ phim đầu tiên về đề tài cách mạng ảnh hưởng thế nào tới hướng đi sau này của ông?
- Bộ phim đầu tiên của tôi là tác phẩm tốt nghiệp có tên Một ngày đầu thu nói về ngày giặc đến tàn sát một vùng công giáo. Trà Giang khi ấy học khoa diễn viên đóng trong phim này và đó cũng là vai diễn đầu tiên của cô.
Sau này, Trà Giang hay nhắc tới bộ phim như một kỷ niệm sâu sắc, một bước tập dượt vững chắc khi bước vào nghề.
Tốt nghiệp lớp đạo diễn, bộ phim đầu tiên tôi làm là Người chiến sĩ trẻ nói về hình tượng anh hùng Cù Chính Lan. Phim được giải vàng Liên hoan phim VN lần thứ nhất và giải thưởng của Hội nghệ thuật Liên Xô, giải thưởng của Đoàn thanh niên Liên Xô.
Những bộ phim đầu tay ấy ảnh hưởng lớn tới sức lao động nghệ thuật của tôi. Sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả chính là động lực thôi thúc tôi tiếp tục sáng tạo và là sự cổ vũ rất lớn cho người nghệ sĩ.
- Đang trong khói lửa chiến tranh, khó khăn, thiếu thốn trăm bề, điều gì đã khiến ông thực hiện được những bộ phim hấp dẫn như vậy?
- Tôi ư, tôi không thể một mình làm được những việc đó. Tôi và đồng nghiệp cùng chung sức chung lòng dựng phim. Đúng là khó khăn, thiếu thốn, nhưng người nghệ sĩ khi ấy chỉ có một mục đích duy nhất: Tập trung làm phim để góp phần vào công cuộc đấu tranh của toàn dân tộc.
Chúng tôi hiểu mình là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, không ai đòi hỏi lợi ích riêng cho bản thân. Lao động của người nghệ sĩ thực sự rất cực nhọc.
Riêng kịch bản phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, tôi và Hoàng Tích Chỉ mất 5 năm để viết, 2 năm nữa mới dựng xong. Trà Giang khi đóng vai Dịu đã nhiều lần gặp cô Thảo (nguyên mẫu ngoài đời) và khóc cùng những bất hạnh của cô. Tất cả mọi người đều làm việc say mê, hết lòng vì nghệ thuật.
Hồi ấy, người nghệ sĩ khi ra trường quay luôn coi đó là thánh đường, cố gắng tối đa để không bị sai sót. Diễn viên phải nghiên cứu kịch bản, xây dựng được hình tượng như một con người bên cạnh mình, họ ăn ở ra sao, tính nết như thế nào... Trong con người diễn viên đã có con người của nhân vật.
Làm phim khi đó có một lợi thế là bối cảnh hiện thực vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có điều người nghệ sĩ phải chấp nhận hiểm nguy. Thành công của tác phẩm là sự chân thật. Yếu tố chân thật, bản thân nó đã mang tính thuyết phục.
- Những ngày tháng ấy giờ đây để lại sự ám ảnh trong ông đến đâu?
- Tôi làm sao quên được những ngày cùng Hoàng Tích Chỉ đạp xe từ Hà Nội vào Vĩnh Linh, gặp gỡ từng con người để xây dựng nên nhân vật. Đạn bom không cản được chúng tôi đi xuyên qua tuyến lửa. Lóc cóc trên chiếc xe đạp, nhiều khi trời tối, cả người lẫn xe lăn xuống chiến hào. Tôi bị sa ruột cũng vì thế.
Trong những ngày làm phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, đúng vào lúc cần gấp rút hoàn thành thì Mỹ ném bom Hà Nội 12 ngày đêm. Cả hãng đi sơ tán, chỉ có đoàn làm phim là ở lại. Chúng tôi đào hầm ven Hồ Tây, khi có báo động thì xuống đó trú ẩn.
Cũng thời điểm này, tôi phát hiện ra, trước kia, mình phải vào tận Vĩnh Linh mới có mặt trận thì bây giờ, Hà Nội cũng đang là một mặt trận khốc liệt. Ý tưởng về bộ phim Em bé Hà Nội ra đời trong những giây phút ấy. Ám ảnh từ cuộc sống khiến những thước phim thuyết phục người xem.
- Ông nghĩ sao khi có người nói: thời kỳ đó VN đang được tung hô vì chiến thắng nên phim VN cũng được... thơm lây trên trường quốc tế?
- Tôi không nghĩ vậy. Ban Giám khảo gồm đại biểu của nhiều nước và khi xét thưởng cũng có những tiêu chí rõ ràng, "thơm lây" thế nào được! Điều quan trọng nhất là khán giả, và sự ngợi khen của họ rất công tâm. Tôi đã đi dự nhiều LHP quốc tế, tiếp xúc với nhiều khán giả nước ngoài và thực sự rất cảm động trước tình cảm mà họ dành cho phim VN.
- Ông có thể chia sẻ với bạn đọc về những kỷ niệm ấy?
- Kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng tôi nhớ rất rõ nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ - Jane Fonda khi xem đoạn nháp Chị Dịu đẻ trong tù của Vĩ tuyến 17 ngày và đêm đã nghẹn ngào nói: "Tôi nghĩ rằng, các bà mẹ Mỹ cũng cần xem những hình ảnh này...".
Sau LHP Quốc tế Matxcơva, nữ phóng viên của tờ báo Phụ nữ và điện ảnh Mỹ đến tận khách sạn đoàn VN ở, nắm tay Trà Giang: "Bộ phim... nhân vật chị đóng làm tôi xúc động... tôi nghĩ rằng Chính phủ Mỹ rất xấu xa trong cuộc chiến tranh ở VN...".
Trà Giang đã tặng chị một cái làn được tết bằng những sợi dây mìn xanh đỏ lấy từ hàng rào điện tử McNamara, cái hàng rào nằm trên vĩ tuyến 17, chia cắt đất nước VN ra làm đôi. Khi hiểu rằng thứ vật liệu giết người ấy đã xuất hiện ở VN và lúc này trở thành một đồ mỹ nghệ duyên dáng, làm đẹp cho con người thì nữ nhà báo òa khóc.
Vậy đó, sức sống của bộ phim không phụ thuộc vào giải thưởng, mà được định đoạt bằng tình cảm của khán giả. Thời gian, tình cảm của các thế hệ khán giả chính là thước đo giá trị của bộ phim. Trong cuộc đời làm đạo diễn, tôi luôn lấy khán giả làm trung tâm hướng tới cho các tác phẩm của mình.
- Trước khi trở thành đạo diễn, ông từng ước mơ theo học ngành hội họa. Không đạt được mơ ước, cảm giác của ông ra sao?
- Đúng là tôi rất ham mê hội họa, đến giờ vẫn thế, nhưng nghề đạo diễn đã giúp tôi ghi lại những năm tháng hào hùng của dân tộc. Những vất vả, khó khăn của người làm đạo diễn, nhất là trong thời kỳ chiến tranh thì nhiều lắm, nhưng tình cảm mà khán giả dành cho những bộ phim chính là món quà vô giá.
Còn nhớ, khi phim Người chiến sĩ trẻ trình chiếu tại miền Trung, trong vùng địch tạm chiếm, những người đi xem phải mang theo xẻng để đào hầm cá nhân, vậy mà vẫn rất đông khán giả. Rồi ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch đầu tiên của thành phố Hà Nội, mỗi lần xem phim Em bé Hà Nội lại khóc. Ông ấy thường nói: "Cảm ơn các nghệ sĩ lắm, không có các nghệ sĩ thì làm sao Hà Nội giữ được những giây phút hào hùng như thế này".
(Theo Đại Đoàn Kết)