![]() |
Các chấn thương nghiêm trọng có thể khiến trẻ chuyển sang một nhân cách khác. |
Sự thay đổi nhân cách được nhìn nhận rõ nhất ở những trẻ từng trải qua các chấn thương hoặc bị ngược đãi nghiêm trọng. Tình trạng này - còn được gọi là rối loạn đa nhân cách - dường như giúp trẻ đương đầu với cuộc sống: bằng cách cắt bỏ những ký ức khác nhau, nó khiến cho trẻ như trở thành một người khác.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Simone Reinders thuộc Bệnh viện Đại học Groningen ở Hà Lan đã dùng kỹ thuật chụp cắt lớp phát positron để quét não của 11 bệnh nhân nữ bị bệnh rối loạn đa nhân cách, khi họ đang nghe các câu chuyện tự sự ở một trong hai trạng thái nhân cách của mình.
Ở một trạng thái, các bệnh nhân nhận ra quá khứ đau buồn trong câu chuyện là của chính họ, và thể hiện mạnh trên các vùng tình cảm của não. Nhưng ở trạng thái kia, họ không ý thức rằng chuyện kể về chính mình, và vùng não bị kích hoạt được mở rộng, trong đó có cả những vùng có chủ ý. Những vùng này vốn dĩ "ngủ yên" ở những người đơn nhân cách khi họ nghe các câu chuyện không liên quan tới mình.
"Não bộ đã phải kìm nén mạnh mẽ các thông tin đau buồn", Reinders nói. Bà cho rằng trong trạng thái nhân cách thứ hai này, những vùng não chủ ý đã kiềm chế những ký ức bi đát và xóa bỏ chúng. Các nghiên cứu khác cũng từng chỉ ra rằng trạng thái nhân cách khác nhau có thể kích hoạt các vùng não khác nhau.
Người bị rối loạn đa nhân cách có thể có những tính cách hoàn toàn trái ngược trong một bản thể, cả về tư tưởng và thể chất. Chẳng hạn, Reinders từng biết một người phụ nữ mà nhân cách này giúp cô chơi tốt bóng rổ, trong khi nhân cách kia khiến cô vụng về với môn thể thao này.
B.H. (theo Nature)