Phan Tuan, 22 tuổi và Nam Van, 41 tuổi, bị bắt trong phòng ngủ tại một trang trại trồng cần sa trong khu công nghiệp lớn ở Bradford, phía bắc nước Anh, hôm 15/4. Tòa nhà có 13 phòng được cải tạo thành nơi trồng cần sa, cách biệt với bên ngoài bằng lớp cửa sắt kéo, hệ thống điện nối trực tiếp với đường cáp ngầm.
Hai người đàn ông Việt Nam nhận tội sản xuất cần sa, khai rằng mình là nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại. Công tố viên Mehran Nassiri cho hay Nam Van từng bị giam 12 tháng năm 2019 vì tội sản xuất cần sa.
Ngoài phòng trồng cần sa, tòa nhà còn có nơi phơi khô, với hàng trăm cây đang được treo lên, sẵn sàng đóng gói và phân phối. Cả hai bị cáo đều mang theo điện thoại, Tuan có 105 bảng trong người. Trong nhà có một tủ đông lớn chứa thịt, bia và nhiều lon rỗng vứt tại hiện trường.
Nassiri cho hay cả hai đều không bị nhốt trong nhà, có thể rời đi nếu muốn. Chủ sở hữu của tòa nhà cho hay đã cho một người đàn ông thuê nhà nhưng chưa nhận được tiền thuê. Số cần sa thu giữ tại hiện trường là 92,07 kg, trị giá 800.000 bảng Anh (1,12 triệu USD).
Nam Van khai bị các băng nhóm buôn lâu người đưa tới Anh năm 2017. Sau khi chấp hành xong án tù năm 2019, anh ta lại bị băng đảng cũ bắt cóc và đưa tới trang trại làm việc.
Tuan, người chưa từng có tiền án, cho hay bị nhóm buôn người đưa tới trang trại trồng cần sa ở Scotland, sau đó được đưa cùng Van tới cơ sở tại Bradford. Cả hai đều đang nợ nần ở Việt Nam.
John Bottomley, luật sư bào chữa chua Tuan, cho hay thân chủ phải ngủ trên tấm chiếu mỏng trong trang trại.
"Anh ấy có thể không bị buôn bán nhưng chắc chắn đã bị bóc lột", Bottomley nói.
Luật sư Saf Salam của Van cho hay thân chủ của mình cũng bị bóc lột. Anthony Kelbirck, người lấy lời khai, tuyên bố cả Van và Tuan đề đóng vai trò "trong một đường dây khổng lồ".
Tòa án Bradford hôm 15/4 tuyên án 31 tháng tù với Tuan và ba năm tù với Van. Van phải chịu án dài hơn vì từng có tiền án.
Trong những tháng gần đây, Anh đã xét xử nhiều vụ liên quan tới người trồng cần sa. Nhiều bị cáo khai là công dân nước ngoài, bị các nhóm buôn người lừa tới Anh và ép làm việc trong trang trại.
Hồng Hạnh (Theo Telegraph & Argus)