Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mất các phản xạ, thở máy hoàn toàn, được hồi sức tích cực nhưng kỳ tích không xảy ra. Hội đồng chuyên môn chẩn đoán bệnh nhân chết não. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tư vấn cho gia đình về hiến tạng cứu người, được họ đồng ý.
Bệnh viện Phú Thọ phối hợp Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và các cơ sở có người bệnh chờ ghép tạng để tìm người nhận phù hợp. Kết quả, hai người suy thận nặng đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế đủ điều kiện nhận thận ghép.
Tạng ghép lấy ra có chất lượng tốt và được bảo quản theo đúng quy trình. Đêm 20/6, chuyến bay chở kíp bác sĩ và hai quả thận đáp xuống sân bay Huế, được cảnh sát giao thông dẫn đường về bệnh viện an toàn, kịp thời ghép cho người bệnh.
Sáng 21/6, chức năng thận của hai bệnh nhân sau ghép đã hoạt động lại.
Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết ca ghép thận thành công của viện được thực hiện từ năm 2015. Từ đó đến nay các ca ghép tạng đều được lấy từ người cho còn sống, cùng huyết thống.
Ca hiến tạng từ người cho chết não này là trường hợp đầu tiên tại bệnh viện, đánh dấu mốc mở rộng mạng lưới hiến, ghép tạng từ tuyến huyện, tỉnh. Mô hình này giúp nguồn tạng được mở rộng, nhờ vậy thêm nhiều bệnh nhân sống sót.
Ghép mô, tạng là phương pháp cuối cùng trong điều trị các bệnh mạn tính, hiểm nghèo do mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục như suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc... Tính đến đầu năm nay, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép. Hiện, gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.
Lê Nga