Khoảng 2 tuần nay, anh Nam cùng đồng nghiệp đi gặt lúa thuê (máy gặt) tại Ninh Bình. Mỗi ngày họ phơi người dưới cái nắng gắt 4-6 giờ; nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới hơn 39 độ C. Khoảng 15h ngày 30/5, thời điểm nắng gắt nhất trong ngày, khi đang đứng đóng gói bao thóc ngoài đồng, anh Nam đột ngột rối loạn tâm thần, nói nhảm, sau đó vài chục phút thì hôn mê.
Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cấp cứu trong tình trạng sốt cao, đỏ da toàn thân, hôn mê sâu. Bệnh nhân được xử trí cấp cứu, đặt ống nội khí quản bảo vệ đường thở, thông khí nhân tạo, chườm mát toàn thân, dùng thuốc hạ nhiệt độ và truyền dịch. Các bác sĩ chụp cắt lớp vi tính sọ não bệnh nhân nhưng không thấy tổn thương.
Sau 12 giờ cấp cứu, tình trạng toàn thân ổn định nhưng ý thức không cải thiện, anh Nam được chuyển lên khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Hiện ý thức bệnh nhân có cải thiện hơn. Trước đó, bệnh nhân không hề có tiền sử bệnh gì.
Trưa 30/5, một cụ bà 88 tuổi ở Hà Nội cũng có biểu hiện say nắng khi đột ngột mất ý thức giữa lúc đang đi chợ. Cụ được người dân xunh quanh sơ cứu, sau đó gọi cấp cứu 115 đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. Tại đây, cụ có biểu hiện hôn mê, co giật, đỏ da toàn thân, sốt cao 40 độ C, mạch nhanh... Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và thoái hóa khớp.
Bệnh nhân đã được các y bác sĩ cấp cứu cho thở oxy, dùng thuốc chống co giật, chườm mát toàn thân, dùng thuốc hạ sốt và truyền dịch. Sau vài giờ thì tình trạng lâm sàng của bệnh nhân ổn định hơn, không co giật nữa, ý thức có cải thiện, giảm sốt 39 độ C. Chụp CT sọ não cho kết quả bình thường.
Theo bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong những ngày nắng nóng này, có tới 80% người phơi nắng ngoài đường đều bị say nắng nhưng không nhận ra. Khi có các triệu chứng của say nắng, họ sẽ tự động tìm chỗ râm mát để trú hoặc uống nước hoặc nhanh chóng về nhà hoặc cơ quan để bật điều hòa..., vô tình thực hiện đúng theo các bước sơ cứu say nắng.
Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là đối với những người vì công việc hoặc lý do nào đó mà bắt buộc phải phơi nắng nhưng không có sự dự phòng say nắng hoặc với người già và trẻ nhỏ có sức đề kháng kém với nhiệt độ cũng như không nhận thức được mối nguy hiểm và cách dự phòng say nắng. Vì thế, họ rất dễ bị say nắng và các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng. Hai trường hợp trên là ví dụ. Những biến chứng của say nắng rất nặng nề và có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt là đối với các biến chứng não, bác sĩ Chính cho biết.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế; say nóng hay hội chứng đột quỵ do nhiệt là biểu hiện của sự tăng nhiệt độ bên trong cơ thể gây ra do sự mất cân bằng nhiệt giữa quá trình sinh nhiệt và tỏa nhiệt. Người bị say nóng ở mức nhẹ thường có biểu hiện vã mồ hôi, nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, có cảm giác khát nước ngày càng tăng, có cảm giác buồn nôn, khó thở, tức ngực, người nóng, mạch và nhịp thở tăng. Trường hợp nặng thì bị rối loạn hô hấp, nhịp thở nhanh và yếu, người tím tái và có thể bị ngất.
Vì thế, nếu bị say nóng nhẹ, cần nhanh chóng đưa nạn nhân vào chỗ thoáng mát, cho nằm nghỉ ngơi thì các triệu chứng sẽ mất dần. Nếu bị nặng cần nhanh chóng gọi cấp cứu, trong lúc chờ đưa nạn nhân vào chỗ mát, cởi bớt quần áo; có thể chườm lạnh ở vùng trán và gáy bằng khăn ướt và theo dõi nhiệt độ cơ thể. Đồng thời, cho nạn nhân uống nước mát, tốt nhất là cho uống nước pha oresol đúng liều lượng.
>> Xem thêm Cách phòng tránh và xử trí khi bị say nắng <<
Theo cơ quan khí tượng, sau một ngày gián đoạn hôm nay nắng nóng quay trở lại khu vực Bắc Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C. Các tỉnh ven biển Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C. Dự báo đợt nắng nóng này còn kéo dài ở miền Bắc 3-4 ngày nữa, còn miền Trung ít nhất một tuần nữa.
Đây là đợt nắng nóng kỷ lục trong hơn 40 năm qua ở miền Bắc, với nhiệt độ cao nhất ở trung tâm Hà Nội đã đạt ngưỡng 40,5 độ C vào ngày 29/5. Với miền Trung, đây là đợt nắng nóng kéo dài nhất từ năm 1971 đến nay với 30 ngày trên 35 độ C.
Phương Trang
* Tên nhân vật đã được thay đổi.