Công an huyện Phước Sơn cho biết, chiều 5/7, anh Hồ Văn Hải, 25 tuổi, ở xã Phước Lộc, cùng vợ và bố vợ đến khu vực suối Đà Lạt, nơi có nhiều cây ươi đang chín. Anh Hải trèo lên cây cao hơn 20 m, lúc đứng ở ngọn cây rung lắc cho hạt ươi bay xuống để hai người ở dưới nhặt thì rơi xuống đất, tử vong tại chỗ.
Tại xã Phước Hiệp, trưa 1/7, em Hồ Văn Hà, 17 tuổi, cùng 10 người vào cánh rừng tự nhiên ở địa phương khai thác hạt ươi. Hà trèo lên cây ươi cao gần 20 m để rung lắc cho quả rớt xuống thì không may rơi xuống. Nạn nhân được đi cấp cứu, song đoạn đường đi xa và hiểm trở nên tử vong trước khi đến bệnh viện.
Quảng Nam có hơn 466.000 ha rừng tự nhiên. Trong rừng có nhiều cây ươi sinh trưởng rải rác ở huyện miền núi Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn... Từ năm 2014 đến nay, cây ươi cho quả nhiều nên người dân đổ xô đi lấy bán. Ngoài việc chờ ươi chín rụng xuống, nhiều người trèo lên cây rung lắc lấy hạt, chặt cành nhánh xảy ra tai nạn. Năm 2014, bốn người chết khi trèo cây hái ươi.
Cây ươi có nhiều tên gọi như đười ươi, cây thạch, cây ươi bay, bàng đại hải, An Nam tử. Theo Đông y, ươi đi vào kinh phế, tác dụng chính là thanh nhiệt, giải độc, thông tiện, thường dùng chữa ho khan, cổ họng sưng đau, nôn ra máu, đi cầu ra máu, chảy máu cam, viêm đường tiết niệu, nhức răng, đau mắt đỏ, mụn nhọt hoặc pha chế nước giải khát.
Giá bán loại ươi hạt còn non hơn 200.000 đồng; loại ươi bay 300.000 đồng/kg. Đây là nguồn thu nhập lớn đối với người dân miền núi nên nhiều vào rừng trèo lên cây lấy hạt.