Nguyễn Mai Phương, 21 tuổi, đang sống tại thành phố Oldenburg, Đức, chia sẻ lịch trình ăn uống, đi lại tự túc tại Prague vào đầu năm 2022.
"Đôi khi, chúng ta nên dành một khoảng thời gian cho bản thân: đi xem phim, ăn uống, tụ tập bạn bè... Và tôi đã dành thời gian cho chính mình bằng một chuyến du lịch tới một đất nước lạ, khám phá những thứ mới mẻ", du học sinh đến từ Việt Nam nói về lý do của chuyến đi.
Chuẩn bị trước khi đi
Trước khi đi bảy ngày, Phương đặt mua vé tàu, chặng Đức - CH Czech với giá gần 28 euro một chiều. Cô gái trẻ cho biết mọi người có thể dùng thẻ credit nhưng nên đổi sang tiền CH Czceh để tiện mua bán, giao dịch. Địa chỉ Phương đổi tại Prague là Jindrisska 12 vì có tỷ giá tốt.
Cô đặt khách sạn trên Booking vì đợt đó ứng dụng đặt phòng này có nhiều ưu đãi: giảm giá, có thể hủy phòng và giá rẻ hơn một số nơi khác. Tiêu chuẩn chọn phòng của Phương là giá không quá 50 euro, gần trung tâm thành phố để tiện đi lại, khách sạn 3-4 sao và có đánh giá từ 8 điểm trở lên. "Nghe có vẻ đòi hỏi, nhưng với những yêu cầu trên, bạn sẽ loại được nhiều khách sạn dở và tìm được nơi ở tốt", Phương nói.
Sau vài lựa chọn, Phương thuê phòng ở Hotel Liliova Prague Old Town, nằm ở trung tâm thành phố và thanh toán qua Paypal với giá 30 euro một đêm. Phòng ở sạch sẽ, dịch vụ tốt, nhân viên thân thiện và cho khách nhận phòng từ 14h (nhiều khách sạn ở châu Âu, thời gian nhận phòng là 15-16h). Phương chia sẻ nếu bạn đến sớm có thể gửi hành lý ở quầy lễ tân rồi đi chơi. Tương tự với trả phòng, thời gian check-out là 11h. Phương vẫn gửi đồ tại khách sạn, báo thời gian quay lại lấy rồi đi chơi tiếp. "Bạn yên tâm vì sẽ không bị tính thêm phí dịch vụ trông đồ đâu".
Đi lại tại Prague
Phương chủ yếu đi theo hướng dẫn của Google Maps. Cô mua vé ở quầy tự động loại vé thời hạn 24 tiếng với giá gần 5 euro chuyên đi tram (xe điện) và tàu. Máy bán vé tự động phải trả bằng tiền xu.
Về địa điểm tham quan, ngày đầu tiên Phương ưu tiên những nơi nổi tiếng nhất như quảng trường con gà (Old Town Square), đồng hồ thiên văn, nhà thờ Thánh Nicholas và Sapa - chợ người Việt. Nhà thờ cách nơi Phương ở khoảng 500 m đi bộ. Cô bắt tram số 17, rồi đi xe bus 197 để đến chợ.
Ngày thứ hai, cô ghé cầu Charles, nhà thờ thánh Vitus, lâu đài Prague. Cầu cách khách sạn khoảng 200 m. Khi qua cầu, Phương bắt tram 22 tới trạm Pražský hrad rồi xuống, đi bộ thêm 350 m đến hai nơi còn lại. Cô cũng bắt tram 22 về Karlovo náměstí rồi đi bộ thêm 400 m để tham quan tòa nhà khiêu vũ (Dancing House), một công trình kiến trúc hiện đại nổi tiếng của CH Czech.
Ăn uống
Phương cân đối giữa việc thưởng thức ẩm thực địa phương và đồ Việt Nam. Tại chợ Sapa, Phương ăn bún bò Huế (6 euro), bánh tráng trộn (6 euro), bông lan trứng muối (4 euro), bún cá (6 euro). Nhận xét của nữ du khách trẻ là đồ ăn ở đây rất ngon, "không khác gì đồ ăn bán tại Việt Nam".
Với các món địa phương, Phương chọn Svíčkové na smetaně tại quán Havelská Koruna, giá 6 euro. Đây là món ăn truyền thống, gồm bốn lát bánh mì hấp và một miếng thịt thăn. "Món này ngon, và bạn rất nên thử. Tôi thích vì bánh mì mềm, không bị khô", cô nói. Về đồ ăn vặt, Phương từng thử trà đào và macaron với giá 10 euro. Trà đào không ngon bằng ở Việt Nam, nhưng cô đánh giá cao món bánh ngọt.
"Do đi ít ngày nên tôi chưa tham quan, thưởng thức hết được mọi thứ tại thành phố này. Tôi sẽ quay trở lại một ngày không xa để khám phá hết vẻ đẹp của thành phố được Time Out bình chọn là đẹp nhất thế giới này", Phương nói.
Chi phí chuyến đi | |
Di chuyển | hơn 60 euro |
Ăn uống | 100 euro |
Khách sạn | 30 euro |
Tổng | 200 euro |
Minh Phương