Thứ năm, 25/4/2024
Thứ năm, 24/1/2019, 17:00 (GMT+7)

Hai ngày hỗn loạn ở Venezuela

Maduro đối mặt thách thức quyền lực trực tiếp nhất khi lãnh đạo phe đối lập nhận là tổng thống trước sự cổ vũ của hàng nghìn người ủng hộ.

Hàng nghìn người ủng hộ phe đối lập ở Venezuela biểu tình phản đối chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro tại thủ đô Caracas hôm 23/1.

Bất ổn bùng phát từ hôm 21/1 khi 27 binh sĩ chiếm một sở chỉ huy ở Caracas và đăng video trên mạng xã hội để kêu gọi người dân xuống đường để lật đổ Tổng thống Nicholas Maduro. Biểu tình trở nên mạnh mẽ hơn từ tối 22/1 tại Caracas, Bolivar và tiếp tục diễn ra trong ngày 23/1 trên khắp Venezuela.

Người biểu tình đốt xe máy trong cuộc đụng độ với lực lượng an ninh ở thủ đô.

Hôm 23/1, cảnh sát chống bạo động đối đầu với những người biểu tình ở phía đông Caracas. Sự hỗn loạn nổ ra khi hàng chục thanh niên chặn một số tuyến đường quan trọng xuyên qua khu phố giàu có Altamira và ném đá vào quân nhân.

Một người đàn ông tham gia biểu tình bị thương sau cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động.

Tổ chức Quan sát Xung đột xã hội Venezuela hôm 23/1 cho biết 13 người đã thiệt mạng trong hai ngày bất ổn do các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống. Những người chết hầu hết vì vết thương do đạn bắn.

Một chiếc xe bị lật và bị đốt cháy khi người biểu tình chặn tuyến đường cao tốc ở Caracas.

Cảnh sát chống bạo động đụng độ người biểu tình.

Từng là quốc gia giàu có bậc nhất ở khu vực Nam Mỹ, Venezuela đang ở bờ vực sụp đổ. Tình trạng thất nghiệp trầm trọng khiến hàng trăm nghìn người rời bỏ đất nước. Nạn đói hoành hành đẩy nhiều người vào bước đường cùng, phải đi cướp lương thực.

Cảnh sát chống bạo động Venezuela bên cạnh một chiếc xe bị người biểu tình đốt.

Một thành viên của Lực lượng Vệ binh quốc gia bị thương trong cuộc đụng độ với người biểu tình.

Người ủng hộ phe đối lập bế một cô gái bị thương trong cuộc biểu tình.

Tình trạng cướp bóc cũng xảy ra tại bang Bolivar, giáp biên giới Brazil.

Tổng thống Maduro (áo đỏ, giữa) phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ tại dinh tổng thống ở Caracas, tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ và yêu cầu các nhà ngoại giao Washington phải rời Venezuela trong vòng 72 giờ. 

Maduro bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai từ ngày 10/1 sau cuộc bầu cử bị nhiều người tẩy chay vào năm ngoái. Nhiều chính phủ nước ngoài gọi đây là "bầu cử giả dối". Maduro cáo buộc phe đối lập tìm cách đảo chính với sự hỗ trợ của Mỹ.

Lãnh đạo phe đối lập, đồng thời là người đứng đầu quốc hội Venezuela Juan Guaido, tuyên bố là "tổng thống lâm thời" trước sự chứng kiến của hàng nghìn người ủng hộ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau đó lập tức tuyên bố Maduro là tổng thống "bất hợp pháp" và gọi quốc hội Venezuela là "nhánh hợp pháp duy nhất của chính phủ do người dân Venezuela bầu chọn".

Pháp, Canada, Brazil và 7 nước Nam Mỹ khác là Colombia, Chile, Peru, Paraguay, Ecuador, Argentina và Costa Rica cũng công nhận Guaido là "tổng thống lâm thời" của Venezuela.

Guaido lên xe máy rời đi sau khi tuyên bố ông là "tổng thống lâm thời".

Guaido nổi lên từ cuối năm ngoái, khi lực lượng an ninh Venezuela bắt khoảng 30 người, trong đó có ông và hai tướng quân đội, sau âm mưu ám sát hụt nhằm vào Maduro trong cuộc duyệt binh ở Caracas hôm 4/8/2018. Sau khi được thả, nghị sĩ trẻ này vào tháng một được bầu làm chủ tịch quốc hội.

Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino Lopez tuyên bố quân đội Venezuela không công nhận Guaido là tổng thống lâm thời, cam kết tiếp tục bảo vệ hiến pháp và chủ quyền quốc gia.

Cuba và Bolivia bày tỏ sự ủng hộ đối với Maduro, trong khi Mexico cho biết sẽ tiếp tục công nhận tính hợp pháp của Tổng thống này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói việc Mỹ can thiệp chính phủ Venezuela là "minh chứng hoàn hảo" cho lối hành xử của phương Tây đối với luật pháp quốc tế, chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.

Ảnh: AFP, AP, Reuters

Huyền Lê