Thế giới
Thứ năm, 14/12/2023, 00:00 (GMT+7)

Hai ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hà Nội

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chương trình làm việc dày đặc trong hai ngày thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.

Trưa 12/12, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đến sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước. Đây là lần thứ ba ông Tập thăm Việt Nam trên cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, sau năm 2015 và 2017. Ảnh: Ngọc Thành

Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam ra sân bay đón ông Tập và phu nhân. Hai nhà lãnh đạo vui vẻ trò chuyện dưới chân cầu thang chuyên cơ. Ảnh: Hoàng Phong

Lễ đón cấp Nhà nước Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tổ chức lúc 16h cùng ngày tại Phủ Chủ tịch với các nghi thức trang trọng nhất, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. 21 phát đại bác chào mừng vang lên tại Hoàng thành Thăng Long khi đội quân nhạc cử quốc thiều hai nước. Ảnh: Giang Huy

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đó cùng hai phu nhân chụp ảnh chung tại bậc thềm Phủ Chủ tịch. Ảnh: TTXVN

Sau lễ đón, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình hội đàm tại trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng. Tại đây, hai lãnh đạo trao đổi các định hướng chiến lược cho quan hệ song phương. Ảnh: Ngọc Thành

Hai nhà lãnh đạo cùng đoàn đại biểu xem 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết giữa các ban, bộ ngành, địa phương hai nước.

Trong 36 văn kiện này có 4 văn bản lĩnh vực chính trị - đối ngoại được ký giữa các ban Đảng và Bộ Ngoại giao hai nước, 4 văn bản hợp tác an ninh - quốc phòng về phòng chống tội phạm, hợp tác trên biển và lĩnh vực tư pháp. 24 văn bản về hợp tác trên các lĩnh vực thực chất cấp chính phủ, cấp bộ và cơ quan, cùng 4 văn bản hợp tác giữa các địa phương hai nước. Ảnh: Giang Ngọc

Sau cuộc hội đàm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mời ông Tập dự tiệc trà tại Văn phòng Trung ương Đảng. Đây là một trong những nghi thức lễ tân rất đặc biệt, thể hiện sự gần gũi, thân tình giữa lãnh đạo hai Đảng, Nhà nước.

Trước đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần cùng thưởng trà nổi tiếng của hai nước. Ảnh: TTXVN

Trong ngày làm việc thứ hai tại Hà Nội, sáng 13/12, ông Tập đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Giang Huy

Trong hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn Việt Nam và Trung Quốc tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm xây dựng và phát triển đất nước; thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, nhất là thương mại, đầu tư. Ông cũng đề nghị hai bên tăng cường kết nối giao thông, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, khoa học công nghệ, y tế.

Ông Tập khẳng định Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản chất lượng cao của Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư chất lượng cao, tiêu biểu cho trình độ khoa học - công nghệ của Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Phong

Tại cuộc hội kiến ở Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 phương hướng trọng tâm hợp tác song phương, trong đó có tăng cường trao đổi chiến lược, giao lưu mật thiết ở cấp cao và các cấp, phát huy tốt vai trò quan trọng của trụ cột hợp tác quốc phòng - an ninh.

Lãnh đạo Trung Quốc đồng tình với những ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, khẳng định Trung Quốc và Việt Nam là những đối tác quan trọng của nhau. Ông khẳng định Trung Quốc coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng và sẽ chỉ đạo Quốc Vụ viện phối hợp với chính phủ Việt Nam, sớm đưa các nhận thức chung quan trọng đạt được trong chuyến thăm lần này vào thực tế. Ảnh: Hoàng Phong

Hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất Quốc hội Việt Nam và Nhân đại Trung Quốc duy trì, tăng cường hơn nữa giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp, các ủy ban chuyên trách, nhóm nghị sĩ hữu nghị. Hai cơ quan cần tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng hành lang pháp lý và chính sách thông thoáng, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại phát triển cân bằng, bền vững.

Ông Tập mong muốn hai nước duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao, trao đổi về các biện pháp xây dựng Đảng và phát triển đất nước; thúc đẩy hợp tác thực chất, tăng cường kết nối hạ tầng; làm tốt các hoạt động giao lưu nhân dân; quản lý tốt bất đồng. Ảnh: Phạm Thắng

Chiều 13/12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hai phu nhân giao lưu với nhân sỹ hữu nghị, thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc.

Cùng ngày, hai bên ra Tuyên bố chung, trong đó Việt Nam - Trung Quốc đề ra 6 phương hướng hợp tác lớn trong thời gian tới, nhằm tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện, thúc đẩy vững chắc việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai. Đó là: Tin cậy chính trị cao hơn, Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, Hợp tác thực chất sâu sắc hơn, Nền tảng xã hội vững chắc hơn, Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, Bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn. Ảnh: Hoàng Phong

Lúc 17h10, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên lên chuyên cơ rời sân bay Nội Bài, kết thúc gần 30 giờ công du Việt Nam. Trong chuyến thăm, bà Bành đã đến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và giao lưu với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhiều năm liên tục, còn Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 175,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, còn nhập khẩu 117,87 tỷ USD.

Hai ngày Chủ tịch Tập Cận Bình ở Việt Nam
 
 

Hai ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hà Nội. Video: Văn Lộc - VTV

Giang Huy - Ngọc Thành