Chuyên cơ chở Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc và đoàn tháp tùng hạ cánh xuống Hà Nội lúc 12h, trong tiết trời mát mẻ, khoảng 27 độ C. Ít phút sau, ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên ra cửa máy bay, giơ tay vẫy chào.
Đoàn tháp tùng ông Tập Cận Bình gồm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư kiêm chánh Văn phòng Trung ương Đảng Thái Kỳ; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ðối ngoại Trung ương, Ngoại trưởng Vương Nghị; Trưởng Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu; Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu chính sách trung ương Giang Kim Quyền; Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trình San Khiết; Bộ trưởng Công an Vương Tiểu Hồng; Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào và nhiều quan chức khác.
Đón đoàn tại sân bay có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ra chân máy bay đón Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân. Hai nhà lãnh đạo tươi cười chào hỏi, bắt tay, vui vẻ trò chuyện. 12h25, ông Tập rời Nội Bài về khách sạn JW Marriott (Mễ Trì, Nam Từ Liêm). Xe Hồng Kỳ đi giữa đoàn khoảng 10 xe; ba môtô cảnh sát dẫn đường và 9 môtô hộ tống.
Sau khoảng 30 phút di chuyển qua các tuyến đường Võ Nguyên Giáp - cầu Nhật Tân - Võ Chí Công - Vành đai 2 - Láng - Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long - Đỗ Đức Dục, đoàn xe về đến khách sạn. Tại đây, nhiều người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam và người dân Việt Nam vẫy cờ hai nước chào đón đoàn.
16h chiều nay, Chủ tịch Tập Cận Bình dự lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch, sau đó sang Trụ sở Trung ương Đảng hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tối cùng ngày, ông Tập dự tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước tại Trung tâm Hội nghị quốc tế.
Trong chuyến thăm, hai bên dự kiến ký kết hàng chục văn kiện ở các lĩnh vực như an ninh quốc phòng, thương mại, đầu tư, kinh tế số, phát triển xanh, xuất nhập khẩu nông sản, thủy lợi và hợp tác trên biển...
Đây là lần thứ ba ông Tập thăm Việt Nam trên cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, sau năm 2015 và 2017. Trong bài đăng trên báo Nhân Dân trước chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cao tình láng giềng hữu nghị và bốn yếu tố kiên trì trong quan hệ Việt - Trung. Đó là kiên trì tin cậy lẫn nhau; kiên trì hài hòa lợi ích; kiên trì hữu nghị, thân thiết; và kiên trì đối xử chân thành.
Trả lời phỏng vấn VnExpress, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba chỉ ra 4 điểm mới trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, gồm "tình hình mới, phương hướng mới, triển vọng mới và động lực mới". Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng cho hay hai nước kỳ vọng chuyến thăm sẽ mang đến "định vị mới" và "tầm mức mới" của quan hệ song phương.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nói chuyến thăm sẽ tạo thêm động lực, làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Trung.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhiều năm liên tục, còn Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 175,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 57,7 tỷ USD, nhập khẩu 117,87 tỷ USD.
Lũy kế đến 20/10, Trung Quốc giữ vị trí thứ 6 trong 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với hơn 4.100 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 26,5 tỷ USD.
Ảnh: Đoàn xe chở Chủ tịch Tập Cận Bình trên đường phố Hà Nội