Đỉnh Lùng Cúng cao 2.913 m, thuộc huyện Mù Căng Chải, nằm trong top 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, Vài năm trở lại đây, Lùng Cúng hút một lượng lớn những người yêu thích leo núi, trekking (trekkers) do địa hình rừng núi đẹp, cung đường leo ngắn với độ khó vừa phải. Đây cũng là nơi lý tưởng để săn mây, và đặc biệt có thể ngắm cả hoàng hôn và bình minh giữa biển mây do có tầm nhìn 360 độ không bị che chắn.
Nhóm anh Nguyễn Đức Hùng, Hà Nội vừa chinh phục đỉnh Lùng Cúng vào đầu tháng 12. Để chinh phục đỉnh này, nếu xuất phát từ Hà Nội, bạn sẽ phải vượt qua gần 300 km đến thị trấn Mù Căng Chải hoặc Tú Lệ để nghỉ ngơi trước khi leo ngày hôm sau. Đi xe giường nằm xuất phát từ bến xe Mỹ Đình tối hôm trước là phương án thường được các trekkers lựa chọn.
Có thể xuất phát từ ba hướng khác nhau là bản Lùng Cúng, bản Tu San và bản Thào Chua Chải để lên đỉnh. Các trekkers thường chọn bản Tu San và đi về qua thung lũng Tà Cua Y và bản Thào Chua Chải để đi qua thác nước cũng như tận hưởng cảnh rừng núi đẹp nhất của cung leo.
"Chúng tôi đi từ Hà Nội lúc 20h và tới thị trấn Tú Lệ lúc 2h hôm sau. Sau khi nghỉ ngơi vài tiếng ở một homestay, chúng tôi dậy lúc 6h để ăn sáng, chuẩn bị đồ và sau đó đi xe ôm 17 km tới bản Tu San để bắt đầu leo lúc 10h. Đến điểm leo chỉ có thể đi bằng xe máy, đường rất xấu, nhiều ổ gà, ổ voi và trơn trượt. Mất gần một tiếng để vượt quãng đường này", anh Hùng cho hay.
Xuất phát từ bản Tu San, anh Hùng leo qua rừng dẻ, rừng sồi với những cây cổ thụ cao để tới con thác hai tầng được người dân địa phương gọi là thác Hấu Chua La. Bên cạnh biển mây trên đỉnh Lùng Cúng, con thác là điểm check in lý tưởng.
Với tốc độ leo tương đương đi bộ nhanh, khoảng 14h bạn sẽ tới khu vực lán nghỉ, cách đỉnh khoảng một tiếng đi bộ. Khu vực này có hai lán chính chứa được khoảng 80 người. Lán do 6 người địa phương dựng cuối năm 2018. Nước phục vụ cho lán được dẫn từ suối gần đó. Anh A Tàu, một trong những chủ lán, cho hay: "Có những cuối tuần cao điểm hơn 100 du khách đến nghỉ ở lán, dẫn tới tình trạng quá tải, một số buộc phải dựng lều bên ngoài để ngủ".
Qua khu vực lán nghỉ là khu rừng già rồi tới rừng trúc nhỏ. Gần tới đỉnh, bức tranh thiên nhiên thay đổi bất ngờ. Khu rừng già nhường chỗ cho các triền núi cỏ xanh và hoa trắng cùng những cơn gió mạnh.
"Có nhiều phương án ngủ qua đêm. Nhiều nhóm chọn dựng lều ở ngay khu vực đất trống nằm cách đỉnh Lùng Cúng khoảng 20 phút leo để săn mây ngắm hoàng hôn và bình minh. Tuy nhiên, khu vực này là đất trống nên rất gió và về đêm rất lạnh, chỉ khoảng 5 độ C. Chỉ những trekkers kinh nghiệm và trang bị kỹ mới nên chọn phương án ngủ qua đêm ở đây", anh Hùng cho hay.
Nhóm anh Hùng sau khi đến lán nghỉ ngơi để lại đồ đạc và lên đỉnh để ngắm hoàng hôn. Hôm sau, anh lại lên từ sớm để ngắm bình minh. "Thực sự cảm xúc là vỡ oà vì cảnh đẹp, biển mây đẹp mà ở các đỉnh khác không có do ở đây có thảm cỏ đặc biệt và đỉnh núi có thể nhìn tứ phía xung quanh", anh Hùng nói thêm.
Sau khi trời sáng hẳn, cả đoàn xuống núi theo hướng bản Thào Chua Chải, đi qua thung lũng Tà Cua Y dài hơn khoảng 5 km so với đường lên và sẽ phải vượt qua 5 con suối lớn nhỏ. Thung lũng Tà Cua Y được bao bọc bởi những dãy núi ở Mù Cang Chải vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ. Theo A Châu, người dẫn đường, Tà theo tiếng địa phương là khu đất bằng phẳng, Cua Y là một loài cây thảo dược quý. Vào tháng 3 thung lũng này hoa nở rực rỡ, nắng nhiều và trời cũng ấm áp hơn.
Tổng chiều dài của cung leo Lùng Cúng xuất phát từ Tu San và về qua thung lũng Tà Cùa Y dài khoảng 20 km. Một cung leo không dài và cũng không khó, có nhiều cảnh đẹp nên ngày càng được các trekkers lựa chọn, nhất là với những người đã chinh phục hết các ngọn núi cao khác ở Lai Châu và Lào Cai.
Anh Mạnh Chiến, quản trị diễn đàn Đam mê Leo núi với hơn 77.000 thành viên, cho hay Lùng Cúng có những đẹp riêng trong các mùa khác nhau. Tháng 11-12 là mùa lá phong chuyển màu và mùa hoa dã quỳ nở rực rỡ trên các triền núi. Tháng 1-3 là mùa hoa đào và hoa táo mèo. Còn biển mây thì luôn có ở mọi mùa trong năm.
Hà Phương