Nguyên và Huy có chung đam mê nghiên cứu khoa học. Khi đang là học sinh lớp 9 trường THCS Đặng Thai Mai (thành phố Vinh), hai em đã sáng chế mô hình máy phát điện từ năng lượng mặt trời, đoạt giải tư cấp quốc gia.
Tháng 6/2019, khi nhà trường phổ biến về cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2019- 2020, hai nam sinh lại muốn thử sức.
Nguyên chia sẻ chứng kiến nhiều người khuyết tật đi lại khó khăn, nhất là ở địa hình gồ ghề, nơi xe lăn không thể đáp ứng. Em suy nghĩ làm thế nào giúp họ đi lại thuận tiện hơn và nảy ra ý tương chế tạo xe lăn vượt địa hình.
Tranh thủ giờ ra chơi, Nguyên trình bày ý tưởng với Huy và nhận được sự ủng hộ. Cả hai lên kế hoạch triển khai, nhưng đối mặt với nhiều thách thức, từ việc phân chia thời gian học tập và nghiên cứu, mua nguyên liệu và kinh phí. Nhờ thầy Nguyễn Văn Thọ (giáo viên Vật lý) hướng dẫn, hai em thêm phần tự tin.
Ba thầy trò cùng vẽ mô hình, thiết kế, thảo luận các phương án. Sau khi thống nhất được sơ đồ, hai nam sinh trình bày dự án với bố mẹ để xin 7 triệu đồng kinh phí. Sẵn chiếc xe lăn của người thân bị hỏng, hai em tận dụng những thứ dùng được. Với các thiết bị khác, hai em tìm mùa ở cửa hàng cơ khí, đồng nát.
Sau 5 tháng lắp ráp, vận hành thử, mô hình xe lăn đã hoàn thành. Xe được chia làm ba phần chính: Hệ thống cơ cấu chuyển động; xilanh và mạch điện. Ở chế độ xe lăn bánh bình thường, người sử dụng bộ điều khiển để tiến - lùi, sang trái - phải. Khi kích hoạt sang chế độ xe vượt địa hình, bánh xe sẽ nâng lên để nhường cho hệ thống xích hoạt động. Nhờ một xilanh điện loại 24V với lực đẩy hàng trăm kg, xe lăn có thể di chuyển trên địa hình gồ ghề, sỏi đá.
Ban đầu, hai nam sinh nghĩ việc chế tạo sẽ đơn giản, song thực tế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là chế tạo xích. Do thị trường không bán, hai em phải tận dụng dây curoa và xích xe máy, sử dụng hệ thống bánh răng của xe máy.
Trực tiếp hướng dẫn học trò, thầy Nguyễn Văn Thọ cho biết, Nguyên và Huy học đều các môn, đam mê sáng tạo. "Nhiều ngày cuối tuần, hai em ngồi làm việc từ sáng tới tối. Có những bộ phận phải chỉnh sửa và lắp ráp nhiều lần, nhưng các em vẫn mải mê làm", thầy Thọ nói.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, đánh giá đề tài xe lăn vượt địa hình của hai nam sinh xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Chính lòng trắc ẩn, muốn giúp người khuyết tật và tính ứng dụng của mô hình đã thuyết phục được ban giám khảo trao cho hai em giải nhất.
Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2019-2020 do Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tổ chức cuối tháng 12/2019. Dự án xe lăn vượt địa hình của Phùng Nguyên Khôi và Nguyễn Trọng Khánh Huy nằm trong số 7 giải nhất. Đây là năm thứ bảy Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tổ chức cuộc thi.