Trên xe lăn, anh Hoàng Văn Lợi, 40 tuổi, quấy như một đứa trẻ trong khi người vợ dùng hết sức ôm chặt, xốc chồng lên vai rồi đặt anh lên giường. Chị thở phào, đắp chăn cho chồng rồi quay qua dọn mảnh vỡ của bát cơm.
"Anh bị chấn thương sọ não dẫn đến bại liệt, nhận thức lúc có lúc không. Hai năm qua tôi đã quen dần với chuyện này", chị Huệ, 36 tuổi, ở xã Tiến Thành, huyện Đăk R'lâp nói.
Vợ chồng chị quen nhau năm 2009, khi cả hai đang làm việc tại Bình Dương. Anh Lợi là mối tình đầu của chị. "Gặp anh đúng một lần, thấy hiền lành, lại là đồng hương Nghệ An nên mình đồng ý luôn", Huệ nói.
Cũng trong năm đó, hai người đón tin vui khi chị Huệ mang thai bé đầu tiên. Nhưng niềm vui chỉ kéo dài được 20 tuần rồi người vợ bị sảy thai. Kể từ đó, sức khỏe Huệ bắt đầu yếu dần, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào chồng. Một năm sau cặp vợ chồng đón con trai đầu lòng và năm 2017 có con gái thứ hai.
Cứ ngỡ cả nhà bốn người sẽ sống bình yên, nhưng tai họa ập đến vào một buổi tối năm 2020. Hôm đó, chị Huệ nhờ chồng đi đón con ở lớp học thêm, cách nhà 4 km. Anh Lợi vừa ra khỏi nhà 5 phút, chị Huệ nhận tin báo anh bị tai nạn giao thông. Người vợ chạy ra đến hiện trường thấy anh Lợi đã bất tỉnh. "Tôi nghe mọi người nói anh tự té nhưng không nghĩ tự té lại nặng như thế", chị kể.
Anh Lợi được đưa xuống bệnh viện tỉnh Đắk Nông rồi chuyển xuống bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) ngay trong đêm. Khi ấy nhiều người bảo chị đưa chồng về nhà vì nghĩ "nặng quá rồi, không thể sống nổi", Huệ vẫn kiên quyết: "Còn nước còn tát, tôi không thể để anh chết như thế".
Tại Chợ Rẫy, anh Lợi phải thở máy trong tình trạng hôn mê sâu và không có dấu hiệu tỉnh lại. Dù vậy, ngày ngày cô vợ vẫn ngồi tâm sự cùng anh, kể anh nghe chuyện của các con, động viên chồng phải sống vì gia đình. "Tôi cứ như người điên ngồi trước anh nói chuyện một mình. Ai cũng bảo chồng mình bị teo hết rồi, chỉ có chết thôi, ở đây có mà hết tiền. Tôi khóc nhưng vẫn quả quyết phải mang bố về cho hai con", chị Huệ nhớ lại.
Trải qua 19 ngày ở Chợ Rẫy, bác sĩ khuyên đưa chồng về quê nhưng chị xin cho anh được ở lại với hy vọng sẽ phục hồi. Ngày thứ 20, chị Huệ xin chuyển chồng sang Bệnh viện Phục hồi chức năng. Hai tháng kể từ khi tai nạn, anh Lợi lần đầu tiên mở mắt nhưng mất hoàn toàn ý thức, như một đứa trẻ.
Cứ mỗi lần nhìn chồng nằm bất động, không nói cũng chẳng cười, nước mắt Huệ lại chảy dài. Chị nghĩ, mình khổ một, anh khổ mười, con cái càng khổ vì không có được người bố bình thường. "Tuy không nói được nhưng mỗi lần nhìn vợ xoa bóp, nước mắt anh cứ chảy dài. Tôi biết là anh cũng đang rất lo cho mình. Đêm nào tôi cũng nằm cầu nguyện mong anh được sống", chị nói.
Sau 6 tháng nằm viện, bác sĩ một lần nữa khuyên chị đưa chồng về nhà vì dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP HCM. Ngày anh Lợi về nhà, hai con nhìn thấy bố là sợ. Hàng xóm nói anh về chỉ nằm chờ chết, khuyên chị buông xuôi, nhưng Huệ nhất quyết không từ bỏ.
Những ngày ở nhà, không ai có thể chăm anh được ngoài vợ. Nhiều lần bà Phương, mẹ ruột anh Lợi thương con dâu vào chăm phụ nhưng cứ thấy bà là anh ném đồ, vung tay đánh. "Nhìn đứa con mình nuôi trưởng thành, giờ ngay cả mẹ ruột cũng không nhận ra, không gì đau xót bằng", bà Phương, 64 tuổi, nói.
Anh Đậu Đức Trường, hàng xóm gần chục năm của gia đình kể, mỗi lần chồng Huệ lên cơn, mất ý thức và phát điên là đập phá, nhiều lần đánh vợ, đánh mẹ, đánh con. "Trước anh hiền bao nhiêu sau khi tai nạn anh dữ bấy nhiêu. Mọi người cứ nghĩ là anh không qua khỏi, may có vợ ở bên cạnh chăm sóc, không bỏ anh ngày nào", người đàn ông 39 tuổi, nói.
Những ngày anh Lợi nằm viện, anh Trần Xuân Nam, trưởng xóm cùng mấy anh em vận động bà con, mỗi người góp một chút giúp chị Huệ lo cho chồng. "Hay tin anh Lợi bị nặng ai cũng sốc. Nếu không có cô Huệ tôi nghĩ chắc anh cũng không thể sống đến giờ này. Đôi ba hôm chúng tôi cũng lui tới động viên vợ chồng họ vượt qua khó khăn này", anh Nam chia sẻ.
Hai năm nay, Lợi nằm một chỗ, không thể tự đi lại, vệ sinh cá nhân được. Đôi chân anh teo dần, tê nhức do máu không lưu thông. Đêm nào Huệ cũng nằm bóp chân cho chồng, xoa dịu cơn đau, thủ thỉ động viên chồng với niềm tin anh sẽ khỏe lại.
Huệ kể, hai đứa con rất thương bố. Gần đây anh Lợi khỏe hơn nhiều, đỡ quậy phá nên các con thay chị đút cơm cho bố. Mỗi lần như thế, đứa con gái nhỏ lại thủ thỉ: "Con ngồi ăn cơm cùng bố rất hạnh phúc, con bắn tim cho bố... bố giỏi lắm á...". Không mở lời được nhưng Lợi hiểu ý con gái và bật cười.
Có lần con gái cầm ly nước cho bố, anh Lợi không biết gì cứ quơ tay hất đổ và đẩy con té xuống giường. Cô con gái 5 tuổi khóc nhưng lát sau lại lên giường nằm cùng bố. Cô bé an ủi: "Con tha lỗi cho bố rồi, bố đừng khóc nữa. Bữa sau bố đừng có hất nước đổ và làm con bị té nữa nhá... bố phải ngoan là được..."
"Những lần nhìn hai bố con như thế tôi cứ vừa khóc vừa cười vì thương con hiểu chuyện", chị Huệ nói.