Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), hai mẹ con được phát hiện trong đợt xét nghiệm các hộ gia đình của nhân viên VIAGS. Người con từng là nhân viên bốc xếp hàng hoá thời vụ, nghỉ việc từ ngày 1/2 nên không tham gia đợt lấy mẫu tầm soát nhân viên tại sân bay.
Khi TP HCM xét nghiệm hộ gia đình nhân viên sân bay, gia đình ra khai báo y tế và được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát. Kết quả sáng 11/2 xác định hai mẹ con nghi nhiễm. Thành phố đã điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc, địa điểm liên quan đến hai trường hợp này, xử lý theo quy định.
Ca dương tính này chưa được Bộ Y tế ghi nhận, được xem như ca nghi nghiễm. Như vậy đến nay TP HCM ghi nhận 33 ca nhiễm từ cụm dịch Tân Sơn Nhất, một ca nhiễm liên quan Hải Dương, hai ca nghi nhiễm chưa được Bộ Y tế công bố.
Theo HCDC, thành phố đã cơ bản kiểm soát chuỗi lây nhiễm này và tiếp tục các biện pháp để cắt đứt hoàn toàn chuỗi đồng thời tầm soát rộng ở cộng đồng.
Chiều 12/2, kết quả giải trình tự gene mẫu dịch mũi họng "bệnh nhân 1979" và hai bệnh nhân thuộc tổ bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy thuộc chủng A.23.1 ở Rwanda, châu Phi. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận xuất hiện chủng A.23.1 Rwanda, cũng là lần đầu ghi nhận chủng này tại Đông Nam Á.
Từ ngày 30/1, TP HCM triển khai lấy mẫu giám sát toàn bộ nhân viên làm việc tại sân bay. Ngày 5/2, thành phố phát hiện "bệnh nhân 1979", nhân viên giám sát chất xếp hàng hóa của công ty VIAGS. Từ trường hợp chỉ điểm này, TP HCM phát hiện thêm 32 trường hợp nhiễm liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại sân bay, trong đó 25 trường hợp nhiễm là người nhà, hàng xóm... của nhân viên sân bay.
Để đảm bảo hành khách đến và đi tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên sân bay phải xét nghiệm trước một ngày vào ca làm việc, có kết quả âm tính nCoV mới được vào làm. Khoảng 1.500 hộ gia đình của nhân viên công ty VIAGS cũng được yêu cầu xét nghiệm tầm soát từ ngày 10/2.