Hội chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2015 (Techmart 2015) thu hút nhiều sản phẩm công nghệ từ các viện nghiên cứu và trường đại học lớn, như: Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hai đại học Bách khoa Hà Nội và TP HCM. Trong đó, hai thiết bị bay Drone và Pelican VB - 01 thu hút sự quan tâm đặc biệt của người tham quan.
Nằm ở vị trí độc tôn trong gian trưng bày, Drone của bộ môn Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ (Đại học Bách khoa Hà Nội) có thiết kế đơn giản với vỏ ngoài màu đen viền vàng, hầu hết chi tiết được sản xuất trong nước, trừ động cơ cánh quạt nhập khẩu từ Mỹ. Tiến sĩ Vũ Đình Quý, Phó trưởng bộ môn Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ cho biết, điểm đặc biệt của chiếc Drone nằm ở hệ thống điều khiển và vận hành do nhóm nghiên cứu tự phát triển, cho phép điều khiển bằng tay hoặc thiết lập lịch trình tự hành mà không bị giới hạn phạm vi hoạt động.
Thiết bị bay được trang bị camera xoay 360 độ truyền hình ảnh trực tiếp hoặc ghi vào thẻ nhớ. Bên cạnh đó, sản phẩm còn có những ưu điểm so với các drone 4 cánh quạt, như bố trí 8 cánh quạt, mỗi đầu trục có 2 cánh ở trên và dưới, giúp máy bay giữ thăng bằng tốt hơn và hệ thống dù cứu hộ tự động được tích hợp trong thân giúp đảm bảo an toàn cho thiết bị trong trường hợp khẩn cấp.
Mẫu máy bay không người lái do Việt Nam phát triển
Đây không phải lần đầu tiên giới nghiên cứu khoa học Việt Nam công bố mô hình drone. Năm 2009, kỹ sư Lê Công Danh, giảng viên Khoa cơ khí Đại học Giao thông Vận tải TP HCM đã bảo vệ thành công đề tài "Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo mô hình máy bay lên thẳng bốn chong chóng có khả năng tự cân bằng và di chuyển trong nhà" tại Sở Khoa học và công nghệ TP HCM.
So với mô hình vận hành trong nhà năm 2009 của kỹ sư Danh, drone này đã được thử nghiệm thành công trong môi trường thực tế với trần bay lên tới 500 m và khối lượng cất cánh tối đa là 12 kg, cho phép mang theo những trang thiết bị phức tạp, như: máy quét hồng ngoại, camera chuyên dụng...
Drone là loại trực thăng không người lái đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới cho các mục đích quay phim, chụp ảnh và thám hiểm những nơi con người khó tiếp cận. Ở Việt Nam, drone hiện mới được sử dụng nhiều trong ngành văn hóa, giải trí để thực hiện các cảnh quay trên cao.
Tiến sĩ Quý cho biết, với giá bán thấp hơn nhiều so với sản phẩm nhập ngoại, một số công ty và tổ chức đã liên hệ với nhóm nghiên cứu để đặt hàng sản phẩm. Hiện nhóm tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm để phục vụ cả mục đích nghiên cứu và thương mại.
Ngoài chiếc Drone của Đại học Bách khoa Hà Nội, máy bay không người lái Pelican VB-01 của Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học cũng là điểm sáng trong không gian trưng bày Techmart 2015. Với hình dáng một chiếc máy bay hiện đại dài 1,6 m và sải cánh 2,4 m, Pelican là sản phẩm chuyển giao công nghệ thành công giữa Việt Nam và Belarus trong lĩnh vực hàng không.
Techmart 2015 sẽ còn mở cửa đón khách tham quan và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tới ngày 4/10 tại Trung tâm triển lãm quốc tế Hà Nội ICE.
Minh Hiền