Tuấn thoáng rùng mình khi ý nghĩ này như điện xẹt qua đầu. Nhưng việc mang chiếc SH biển số "lộc- phát-lộc phát" mới mua vài tháng đi cầm đồ có lẽ nào là phương án khả thi?
Cậu thanh niên 29 tuổi nhớ lại những ký ức bấp bênh thời sinh viên. Vì cầm đồ, không đủ tiền đóng lãi ngày, rồi "bốc họ" vì sợ mất xe, Tuấn bị xã hội đen tới nhà tìm, đến trường đòi, phải bỏ ngang đại học.
Trước đó, trong lúc cần tiền, cậu sinh viên bị dẫn dắt bởi loạt bảng biển "2.000đ/ triệu/ ngày" của các tiệm cầm đồ quanh trường đại học. Tính nhẩm trong đầu, Tuấn tặc lưỡi, bước vào.
Nhưng tấm biển trưng ra chỉ là mức giá chung, để tham khảo, theo lời chủ cửa hàng. Ngó nghiêng chiếc xe, gã nổ máy rồi tự định giá. "15 triệu. Nhưng chỉ vay được 8 nhé. Lãi ba nghìn rưỡi/1 triệu/ ngày. Xe Nouvo cũ bán mất giá, khó thanh lý nên lãi sẽ cao hơn", gã nói. Dù miễn cưỡng, nhưng Tuấn vẫn nhận tiền và bị "cắt lãi" ngay tại chỗ 280.000 đồng, hẹn 10 ngày sau đến đóng lãi tiếp.
Việc đóng lãi mỗi 10 ngày không quá khó với cậu sinh viên gốc Hà Nội, bởi tiền lãi chỉ là chuyện nhỏ của số tiền bố mẹ cho tiêu vặt mỗi tháng. Sau hai đợt đều đặn đóng lãi, Tuấn vẫn chưa nghĩ ra phương án lấy xe về, bố mẹ cũng bắt đầu căn vặn về việc chẳng ai cho bạn mượn xe lâu vậy.
Thấy cậu sinh viên đóng lãi đều, chủ tiệm cầm đồ đưa phương án mới. "Cho lấy xe về đi. Tất toán khoản cầm đồ, chỉ cần để lại sổ hộ khẩu photo, sẽ có người qua xác minh địa chỉ và trường học". Toàn sẽ tiếp tục được vay, tất nhiên, khoản vay này là hình thức mới, kiểu "bốc họ".
"Bốc bát họ" nhỏ nhất 10 triệu đồng, nhưng Vũ Tuấn chỉ được cầm về 8 triệu để trả tiền cầm đồ trước đó. Mỗi ngày, tiền phải đóng là 200.000 đồng, đều đặn trong 50 ngày thì "sạch bát". Việc sa chân vào ma trận tín dụng đen của cậu sinh viên bắt đầu từ đây.
Từ số tiền 28.000 đồng/ngày, giờ phải trả 200.000 đồng đều như vắt chanh ngày này qua ngày khác. Cậu sinh viên duy trì được một tháng và bắt đầu gọi điện xin khất. Gã chủ tiệm cầm đồ những ngày đầu còn tỏ ra lịch sự, về sau liên tục khủng bố bằng tin nhắn, rồi chửi bới đến đe doạ, thúc giục đóng tiền đúng hạn.
Đỉnh điểm, sau 5 ngày không thấy Tuấn qua đóng, người này kéo theo nhóm thanh niên xăm trổ, tìm đến tận lớp đại học để đòi tiền. Việc đến Ban giám hiệu nhà trường, bố mẹ Tuấn muối mặt đứng ra trả nợ, cậu cũng bỏ ngang lớp đại học vì xấu hổ, chán chường...
Bài học đầu đời đó theo Tuấn mãi những năm lập nghiệp sau này, cho đến lúc gặp khó vì kinh doanh vì Covid-19 tháng 4/2020.
Sau hơn hai năm làm lụng gom góp, Tuấn đang dần ổn định với hai quán café công sở. Hồi đầu năm dư dả, anh còn hào phóng với bản thân, nâng đời chiếc Vespa GTS sang SH biển số đẹp. Tự làm ăn, sắm xe đẹp, bạn bè cũng nể đôi phần, năm nay dự định rủ anh em đầu tư cùng mở quán cũng uy tín hơn, Tuấn nghĩ vậy.
Nhưng dịch bệnh đến theo kịch bản không ai lường được trước. Từ dự tính kêu gọi đầu tư mở rộng, Tuấn chật vật xoay xở, ít nhất phải giữ được hai quán café. "Hồi bắt đầu dịch đã khó, hết cách ly xã hội còn thảm hơn. Dân công sở họ làm việc tại nhà, chẳng ai ra đường chứ đừng nói ngồi tụ tập quán sá, cà phê", Vũ Tuấn nói.
Trụ qua đợt đóng tiền nhà sau Tết, sang đợt tiếp theo, không chủ nhà nào còn kiên nhẫn đọc tin nhắn trình bày dài như sớ của Tuấn. Ai cũng có khó khăn riêng, tiền nhà mười triệu đồng mỗi tháng, đóng ba tháng một, hai quán tổng 60 triệu đồng. Với các hộ kinh doanh nhỏ kiểu Tuấn, trạng thái "bình thường mới" có lẽ lại đầy thách thức. Bởi trở lại bình thường đã khó rồi, lại còn "mới", rõ là thách thức hơn.
Năm ngoái, cao điểm mỗi tháng, mỗi quán của Tuấn doanh thu khoảng 40-45 triệu đồng. Trừ đầu đuôi, nguyên liệu, nhân viên, điện nước... mỗi tháng anh lãi ra một nửa. Sau dịch, quán dần đông trở lại nhưng thu không đủ cho việc đóng tiền nhà ngay lúc này.
Vay bố mẹ có lẽ không khả thi, bởi Tuấn không muốn ông bà thêm đau đầu vì cậu con trai từng bỏ ngang đại học, kiên quyết xin tiền đòi start up.
Đi vay bạn bè, anh em? Sĩ diện của một thanh niên vừa mua xe đẹp, biển đẹp lại mở miệng đi vay không cho phép, chưa kể đang định rủ bạn chung vốn làm ăn.
Ngân hàng? Có lẽ chẳng nhân viên tín dụng nào chịu làm hồ sơ cho người thuộc diện "lao động tự do" với khoản vay ít và ngắn ngày, Tuấn nghĩ bụng.
Quãng thời gian mải làm ăn, mở rộng mô hình café công sở, Tuấn không biết cầm đồ giờ đã có thêm bộ mặt khác. Trên báo chí, ngành này không chỉ xuất hiện cùng những tin tức kiểu "tín dụng đen", dính líu đến những cuộc ẩu đả, va chạm, thay vào đó là những thương vụ rót vốn, đầu tư từ quỹ ngoại tính bằng triệu đô và mở rộng thành chuỗi trên toàn quốc...
Lướt mẩu tin về hệ thống cầm đồ kiểu mới, Tuấn ngẩn người khi đọc về thứ gọi là "chứng chỉ bảo vệ khách hàng". "Người đi cầm đồ nay còn được bảo vệ, kỳ lạ thật", Tuấn thầm nghĩ và nhớ lại mình từng chẳng cầu cứu được ai ngoài bố mẹ khi bị cầm đồ săn đuổi chục năm về trước.
Tò mò về thương hiệu có đích ngắm "thay đổi định kiến ngành cầm đồ tại Việt Nam", Vũ Tuấn bốc máy gọi hotline, thử một lần trải nghiệm bộ mặt mới của ngành cầm đồ.
(còn tiếp...)
Quang Anh
Ảnh: Hoàng An