Mở đầu phiên thứ 9 của CTO Talks - sự kiện bên lề của Bình chọn Top 10 Lãnh đạo công nghệ do VnExpress tổ chức, Tiến sĩ Vũ Hữu Tiệp - kỹ sư học máy tại Google - cho biết, trong 10 năm qua, trí tuệ nhân tạo đã mang lại những giá trị không tưởng cho cuộc sống con người.
"Từ những kết quả tìm kiếm trên Google, video được gợi ý trên YouTube hay những quảng cáo ‘tình cờ’ trên Facebook đúng với những gì bạn đang quan tâm... đến những dự báo về loại hàng hoá doanh nghiệp có thể bán được đều là sản phẩm của dữ liệu học máy, AI", ông Tiệp ví dụ.
Tiếp lời ông Tiệp, bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương - khẳng định Việt Nam có nhiều lợi thế để ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), AI vào hoạt động sản xuất, sinh hoạt, với quy mô dân số gần 100 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, mức chi tiêu trung bình của mỗi hộ dân đều tăng khoảng 10% mỗi năm.
"Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào, doanh nghiệp nào cũng phải lập tức ứng dụng AI vào hoạt động sản xuất. Điều quan trọng là vừa phải tận dụng được CNTT, vừa tối ưu được lợi thế về nguồn lực sẵn có. Đó là lý do những công ty công nghệ đi đầu trong lĩnh vực AI không chỉ cần nghiên cứu, đưa ra các giải pháp đột phá mà còn phải tư vấn, giúp doanh nghiệp, cộng đồng hiểu được nên ứng dụng công nghệ vào khâu nào, như thế nào thì hợp lý, để mang lại hiệu quả tốt nhất", đại diện bộ Công thương nhận định.
Đồng quan điểm với bà Thuý, ông Nguyễn Thượng Tường Minh - Giám đốc phát triển FPT.AI, ứng viên Top 10 Bình chọn lãnh đạo công nghệ trẻ, cho rằng mỗi lĩnh vực đều có đặc thù riêng, nên việc ứng dụng AI vào việc gì cũng cần phải nghiên cứu cho phù hợp. "Hai giá trị cơ bản của AI là nâng cao hiệu suất hoạt động và tăng cường trải nghiệm của khách hàng đầu cuối. Dựa vào đó, doanh nghiệp sẽ có hai hướng tiếp cận: hướng ngoại vụ như chăm sóc khách hàng, tự động hoá một số tính năng...; hướng thứ hai là ứng dụng AI vào hoạt động nội bộ, như chuyển đổi số, chuẩn hoá quy trình làm việc... Mỗi lĩnh vực sẽ có những khâu riêng. Doanh nghiệp phải linh hoạt lựa chọn nên ứng dụng công nghệ nào, tại thời điểm nào là hợp lý... để tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ", đại diện FPT.AI chia sẻ.
Vũ Hải Nam - Founder & CEO tMonitor, ứng viên Top 10 Bình chọn lãnh đạo công nghệ trẻ - nhận định: "AI đang thực sự hiện diện trong mọi mặt đời sống, thúc đẩy xã hội phát triển năng động hơn. Ứng dụng AI trong lĩnh vực kinh doanh, y tế, giáo dục... ngày càng phổ biến, nhưng khi dùng không đúng cách, AI cũng có thể trở thành mối nguy hại với người dùng và xã hội".
Nhà sáng lập tMonitor ví AI như con dao sắc, nếu công cụ này được trao cho người dùng không đúng, rất khó hình dung hết mức độ ảnh hưởng. Một số lĩnh vực AI đang bị lợi dụng để làm những việc không tốt, như công nghệ deep fake, tấn công an ninh mạng, hack website, đánh cắp thông tin người dùng... "Thử hình dung một quan chức nhà nước bị giả mạo bằng deep fake, đưa ra những tuyên số không thật, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức nào?", Vũ Hải Nam nêu vấn đề.
Đồng ý ông Nam, ông Vũ Hữu Tiệp nêu lên 3 vấn đề nhức nhối với AI hiện nay. Đó là giả mạo, quyền riêng tư và những quyết định bất công cho nhóm người thiểu số.
Ông Tiệp lấy ví dụ thực tế từ Google. Khi Google phát triển công cụ tự động nhận diện mặt người, AI đã dự đoán một người phụ nữ da màu là đười ươi. Lập tức công cụ này bị gỡ khỏi hệ thống. Theo ông Tiệp, những sai lầm của AI có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời một con người. "Nếu một ngân hàng dùng AI để phán đoán năng lực tài chính của một người trước khi ra quyết định ai sẽ được vay vốn, những người không thật sự thành công trong quá khứ có thể vĩnh viễn không bao giờ được hỗ trợ. Từ đó dẫn đến những bất công khiến họ không thể thành công trong tương lai", vị tiến sĩ học máy đang làm việc tại Google lưu ý.
Ngoài ra một thách thức khác liên quan đến AI là bảo mật thông tin người dùng. Để có dữ liệu cho AI phát triển, nhiều doanh nghiệp phải thu thập lượng dữ liệu khổng lồ. "Có những doanh nghiệp có trong tay tất cả thông tin về việc đi lại, ăn uống của hàng chục triệu người dùng Việt Nam, hoặc như Google có thông tin của hàng tỷ người..., lúc đó, an toàn dữ liệu không chỉ là vấn đề của cá nhân người dùng mà còn liên quan đến an ninh quốc gia. Các doanh nghiệp phải có biện pháp bảo vệ và quy tắc tiếp cận, mã hoá thông tin để đảm bảo tối đa an toàn dữ liệu", ông Vũ Hữu Tiệp lưu ý.
Các lãnh đạo công nghệ trong CT Talks phiên thứ chín đều đồng ý rằng không phải bài toán nào cũng có thể giải quyết bằng AI. Khi quyết định dùng AI, doanh nghiệp phải nhận thức được các vấn đề liên quan đến đạo đức để xây dựng một môi trường tử tế. Mọi người nên tự trang bị cho mình thêm kiến thức, hiểu biết để tự bảo vệ mình khỏi những mặt trái của AI.
"Có những trường hợp thuần tuý muốn ứng dụng AI vì lý do chính đáng, nhưng trong quá trình sử dụng không đúng cách, trí tuệ nhân tạo lại mang đến những tác động ngược, dẫn đến nhiều hệ quả đáng tiếc. Đó là mặt trái của AI, dù cho mục đích sử dụng ban đầu là tốt, vẫn tiềm ẩn những rủi ro không đáng có", Giám đốc phát triển FPT.AI lưu ý.
Để tránh những sự cố đáng tiếc này, các diễn giả cho rằng doanh nghiệp muốn ứng dụng AI phải chuẩn bị rất kỹ về nền tảng kiến thức, nhân sự, hướng đi đúng đắn, việc này thường tốn rất nhiều tiền bạc, công sức, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đầu tư. Vì vậy, một lựa chọn tốt hơn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sử dụng các bộ công cụ được các đối tác, nhà cung cấp lớn phát triển sẵn. Điều này không chỉ giúp tận dụng được nguồn lực, giảm chi phí mà còn rút ngắn được thời gian nghiên cứu, theo kịp tốc độ phát triển của thị trường.
Khương Nha