Bao gồm phần cực nam của Nam Mỹ, khu vực Patagonia là một "kho tàng" sồi cổ thụ được bảo vệ khỏi cưa máy của lâm tặc. Tuy nhiên, những cây thân gỗ khổng lồ này đang phải đối mặt với một mối đe dọa mới từ hải ly.
Loài gặm nhấm duy nhất có khả năng quật đổ một cây lớn chỉ trong vài ngày này được đưa đến Patagonia từ Canada với mục đích thúc đẩy sự định cư của con người thông qua việc săn bắn và buôn bán lông thú. Trong khi dự án định cư chưa thực sự thành công như mong đợi, quần thể hải ly đã sinh sôi chóng mặt và gây áp lực lên hệ động thực vật bản địa. Từ 10 cặp đầu tiên được phóng thích cách đây 75 năm, số lượng cá thể hiện đã tăng lên hơn 100.000 con.
"Hải ly, cũng giống như con người, là những kỹ sư sinh thái. Để sinh sống trong một môi trường, chúng sửa đổi nó để thích nghi với các điều kiện cần thiết", nhà nghiên cứu Cristobal Arredondo từ Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) nói với AFP.
Những sinh vật gặm nhấm này đốn hạ cây cối để xây các con đập trên sông hồ. Khi làm như vậy, chúng tàn phá nghiêm trọng hệ sinh thái. Tại Công viên Tự nhiên Karukinka thuộc quần đảo Tierra del Fuego, hơn 300.000 ha rừng đã bị hải ly gặm đổ.
Việc xây đập ngăn dòng chảy tự nhiên cũng kéo theo những tác động tiêu cực khác, chẳng hạn như làm ngập đất đai xung quanh, khiến cây cối chết úng. Các nhà nghiên cứu cho biết thêm rằng hơn 90% sông suối ở phần Tierra del Fuego thuộc Chile đã bị chuyển hướng bởi hoạt động của hải ly.
Những điều trên đang góp phần vào sự nóng lên toàn cầu bởi quá trình thối rữa của cây thân gỗ lớn như sồi sẽ giải phóng carbon bị cô lập trong nhiều thế kỷ. Bên cạnh đó, đất ngập nước còn cản trở việc sản xuất gỗ, canh tác và chăn nuôi của cộng đồng bản địa, gây thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 73 triệu USD. Nếu không có hành động can thiệp, thiệt hại có thể tăng thêm 260 triệu USD trong 20 năm tới, theo một nghiên cứu của Đại học Chile.
Nhằm kiểm soát số lượng hải ly trong khu vực, các nhà chức trách đang khuyến khích người dân săn bắn loài gặm nhấm này. Cơ quan lâm nghiệp Chile thậm chí còn tặng thưởng cho mỗi chuyến đi săn thành công. Bẫy thú rừng cũng được phép sử dụng. Tuy nhiên, cả hai phương pháp đều chưa thực sự hiệu quả.
Đoàn Dương (Theo AFP)