Vào Việt Nam từ những năm đầu thập niên 90, Acecook gặp nhiều khó khăn khi nền kinh tế thị trường chưa phát triển, mì ăn liền là sản phẩm chưa phổ biến với người tiêu dùng. Theo doanh nghiệp, vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm thời này còn bỏ ngỏ, khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài xem thị trường Việt Nam như một phép thử. Nhưng Acecook lại tin rằng đây là cơ hội để doanh nghiệp này thực hiện một sứ mệnh đặc biệt.
"Ngày được cấp giấy phép thành lập năm 1993, chúng tôi đã hứa với Chính phủ Việt Nam hai điều. Một là nâng cao, phát triển ngành hàng thực phẩm chế biến. Hai là tích cực xuất khẩu các sản phẩm, mang văn hoá Việt Nam ra thế giới", Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Acecook Việt Nam nói. "Suốt 25 năm gắn bó, lời hứa ấy luôn được gìn giữ và không ngừng nỗ lực để hiện thực hóa".
Chia sẻ kinh nghiệm để cùng đưa ngành hàng phát triển
Các sản phẩm của Acecook định hướng phát triển dựa trên sự kết hợp "Công nghệ Nhật Bản – Hương vị Việt Nam".
Để làm ra những sản phẩm "Công nghệ Nhật Bản", đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, doanh nghiệp này nhập khẩu hầu hết nguyên liệu sản xuất và đầu tư dây chuyền từ Nhật, ngay từ những ngày đầu tiên. Việc này khiến chi phí đầu tư tăng, kéo theo giá sản phẩm cao hơn gấp nhiều lần so với đối thủ. Sản phẩm của Acecook từng khó được thị trường chấp nhận.
"Đứng trước bài toán con số kinh doanh và chất lượng, đáp án mà Acecook đưa ra là hỗ trợ, giúp đỡ các nhà cung cấp trong nước nâng cấp công nghệ sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi cải tạo nhà xưởng và kỹ thuật quản lý chất lượng nhằm tạo được nguồn nguyên liệu đạt chuẩn", ông Kajiwara Junichi cho biết. "Sau 5 năm kiên trì, nguồn nguyên liệu nội địa đã đạt chuẩn như Acecook mong muốn và các sản phẩm bắt đầu cân bằng về giá với thị trường".
Đến nay, nguyên liệu từ nhà cung cấp nội địa của doanh nghiệp này đã lên đến 95%, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành thực phẩm chế biến tại Việt Nam.
Đưa tinh hoa ẩm thực Việt vào trong mỗi sản phẩm
Ngoài việc kỹ lưỡng về tiêu chuẩn, Acecook cho rằng khẩu vị người dùng là điều quan trọng nhất. Nhiệm vụ "Hương vị Việt Nam" được hãng đưa ra.
Đội ngũ nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Acecook đã tìm cách đưa những món ăn, hương vị quen thuộc trong mâm cơm của cả ba miền Bắc, Trung, Nam vào các sản phẩm ăn liền. Vị chua chua cay cay lấy cảm hứng từ món canh chua đã được phòng R&D đưa vào sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo với hương vị tôm chua cay. Ra đời năm 2000, đến năm 2018, Hảo Hảo được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục "Sản phẩm mì gói có số lượng tiêu thụ nhiều nhất Việt Nam trong 18 năm", hơn 20 tỷ gói mì được phục vụ cho người tiêu dùng.
Ngoài sự thành công với mì ăn liền, hãng này còn muốn đưa sản phẩm sợi gạo ăn liền của Việt Nam, giới thiệu ra thế giới.
Acecook dành khoảng 10 năm nghiên cứu để làm ra sợi phở công nghiệp, với kỳ vọng trong ba phút chế nước sôi, người dùng có thể đạt cảm nhận như bánh phở tươi. Từ nguyên liệu gạo nội địa, hãng ra đời thêm các sản phẩm khác như miến Phú Hương, hủ tiếu Nhịp Sống, bún mắm Hằng Nga, Phở Đệ Nhất... Hãng này cho biết, từ khi bán ra năm 2007 đến 2016, doanh thu các sản phẩm phở, bún, hủ tiếu của Acecook đạt gần 1.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 18% tổng doanh thu. Thị phần xuất khẩu đạt khoảng 225 tỷ đồng và tăng trưởng bình quân 110% mỗi năm.
Nhờ sản xuất các sản phẩm trên, hãng sử dụng hơn 20.000 tấn gạo, giúp tăng giá trị nông sản Việt Nam.
"Lời hứa hơn 25 năm trước đã được Acecook thực hiện", ông Kajiwara Junichi nói. "Hiện nay, ngành hàng mì ăn liền đã phát triển lớn mạnh, trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, hàng đầu tại Việt Nam".
Hiện, Acecook đã xuất khẩu sản phẩm tới gần 35 quốc gia trên thế giới. Trong tương lai, hãng này dự định tiếp tục mở rộng thị phần với nhiều sản phẩm mang hương vị, bản sắc ẩm thực Việt.
Tuấn Vũ