"Đó là tài sản chuẩn bị về hưu của tôi", người đàn ông 61 tuổi nói về quyết định mạo hiểm hồi cuối năm 2023. "Gia đình và bạn bè tôi không ai ủng hộ khởi nghiệp ở tuổi này".
Nhưng cận Tết Nguyên đán 2025, khi ông Hải đến xưởng may đai gối ở quận Tân Phú nhận 1.000 đơn hàng mới, 20 công nhân làm việc hết công suất, ông mới tin mình có hy vọng.
Ông Hải quê Lâm Đồng đến TP HCM học việc và làm công nhân ở xưởng may của chị ruột vào năm 1997. Khi trở thành thợ lành nghề, ông chuyển sang may gia công.
Thập niên 2000, ông Hải thường lang thang các khu chợ ở quận 10 mua phụ liệu, nhận ra sản phẩm đồ lót ở Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan trong khi đó là thứ mình có thể sản xuất được. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông mượn mẹ bốn chỉ vàng làm vốn, mua trả góp hai máy may và bắt đầu khởi nghiệp.
Từ xưởng tại gia ở quận 11, ông Hải nhanh chóng phất lên. Giai đoạn hoàng kim năm 2013, ông mua được khu xưởng rộng 2.400 m2 ở huyện Củ Chi, quy mô 200 công nhân cùng hệ thống phân phối khắp các tỉnh phía Nam.
Nhưng đúng vào thời điểm đó, ông thường bị đau bụng nghĩ mình căng thẳng nên đi khám. Tuy nhiên, ông được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày.
"Biến cố thay đổi toàn bộ quan điểm sống của tôi", ông Hải nói. "Tôi nhận ra cuộc đời vô thường và ngắn ngủi, còn ngày nào trên đời phải sống cho đáng và ý nghĩa".
Ung thư ở giai đoạn đầu, ông Hải điều trị bằng thuốc kết hợp lối sống lành mạnh, đạp xe trung bình 10 km đi làm mỗi ngày.
Khi sức khỏe vừa ổn định vào năm 2021, ông Hải đứng trước cú sốc doanh nghiệp "chết không kịp trở tay" do Covid-19. Suốt 6 tháng đóng băng không đơn hàng, ông bị đứt gãy hệ thống phân phối cùng số lượng nhân lực không thể phục hồi.
Đầu năm 2022, ông Hải là người phủ bạt lên các máy may, đóng cửa xưởng, khép lại chặng đường kinh doanh hơn 20 năm.
"Đau như đứt từng khúc ruột bởi nó là đứa con tinh thần của mình", ông nói. "Nhưng sự thất bại giúp tôi thấm thía bài học quản trị".
Trong cơn tuyệt vọng, vợ chồng ông chuyển sang kinh doanh nước rửa chén. Tuy nhiên, sản phẩm "chết" sau bốn tháng ra mắt do không cạnh tranh được với thị trường.
"Tôi bỏ của chạy lấy người bởi lĩnh vực mình không có kinh nghiệm, càng đầu tư càng lỗ", ông Hải nói.
Năm đó, ông Hải 58 tuổi, thất nghiệp và nợ ngân hàng 2,5 tỷ.
Vợ ông bàn phương án bán khu xưởng được khoảng 10 tỷ đồng để trả nợ, số còn lại họ dư sức nghỉ hưu, dưỡng già. Tuy nhiên, vài tháng ở nhà với vòng lặp xem TV, lướt điện thoại, ông cảm thấy "buồn không chịu được".
Trong lần đạp xe và chịu cơn đau đầu gối, ông bỗng nghĩ ra ý tưởng thực hiện đai bó gối. Ông bàn với gia đình thử sản xuất mặt hàng này nhưng không ai đồng ý. Cả nhà đều muốn ông nghỉ ngơi.
Hôm sau, ông Hải đạp xe ra đến khu chợ thuốc ở quận 10, hỏi mua đai bó gối. Trong hai tháng, ông đem về nhà hơn chục loại đai, giá từ 300.000 đến 900.000 đồng để nghiền ngẫm. Người đàn ông U70 nhận ra ngách thị trường này còn mới, đa số là sản phẩm nhập khẩu, cũng tương tự câu chuyện đồ lót ông thực hiện 20 năm trước.
"Cú bước hụt lần trước đã làm tôi thận trọng hơn", ông nói. "Tôi xác định phải học nhiều để tái hòa nhập với thị trường kinh doanh".
Đầu năm 2023, ông mày mò đọc thêm tư liệu về kinh doanh, quản lý và nhận ra cách marketing của mình đã lạc hậu trong khi ngành livestream đang bùng nổ.
Trong ngôi nhà ở đường Bình Thới, quận 11, bàn làm việc của ông ngổn ngang vải vụn, dây thun, kim chỉ, băng dính và lưới. Người đàn ông 20 năm kinh nghiệm trong ngành may dành ba tiếng mỗi ngày nghiên cứu làm đai gối nhưng vẫn thất bại hàng chục lần.
Đai gối đòi hỏi những kỹ thuật mới như may chồng lớp hoặc làm mềm đường viền. Sau cả trăm mẫu bỏ đi, sản phẩm của ông mới hoàn thiện.
Gom hết những đồng vốn cuối, ông thuê nhà xưởng 200 m2 ở quận Tân Phú cùng 5 nhân công. Sản phẩm ổn định, ông tự đạp xe đi chào hàng từng nhà phân phối.
Giữa năm 2023, xưởng của ông Hải nhận ổn định 500 đơn hàng mỗi ngày. Tuy nhiên, họ nhanh chóng rơi vào bài toán khó mới là nguyên vật liệu để đảm bảo giá thành.
Suốt ba tháng, ông đi từng nhà máy, phân xưởng ở TP HCM, Bình Dương mới tìm đủ nguồn cung ổn định. Hiện, họ chỉ còn nhập phần lưới vi tính (chất liệu sợi polyester) để sản xuất đai gối, còn lại đều là hàng Việt Nam.
Cuối năm 2024, doanh nghiệp đi vào ổn định, đơn hàng tăng 1.000 đơn mỗi ngày, ông Hải thuê hơn 20 công nhân. Ông nghiên cứu tăng lên 5 mã hàng, thay vì hai mã ban đầu. Đồng thời, ông quyết định bán khu xưởng cũ ở huyện Củ Chi, cũng là phương án về hưu, để đầu tư thêm máy laser.
Ngọc Ngân