Dương Quý Phi tên Dương Ngọc Hoàn (719-756) nổi tiếng bậc nhất trong số các mỹ nhân ở hậu cung các triều đại phong kiến. Nàng là cảm hứng cho hàng trăm bài thơ, bản nhạc, tranh vẽ lẫn phim ảnh. Một trong những câu chuyện được lưu truyền nhiều nhất về Dương Quý Phi là việc mỹ nhân khiến vua thịnh nộ, bị trả về nhà ngoại nhưng đều tai qua nạn khỏi, cho thấy sự si mê của Đường Huyền Tông với quý phi.
Theo cuốn Cổ kim cung vi mật ký, Huyền Tông từng nói với hậu cung: "Trẫm có được quý phi như có bảo vật quý nhất trần thế". Nhờ Dương Ngọc Hoàn đắc sủng, các chị của nàng đều được phong làm nhất phẩm phu nhân, mỗi tháng được ban tặng tiền bạc, các em và anh trai của nàng đều thành quan.
Dương Quý Phi được yêu chiều đến mức kiêu ngạo. Theo cuốn dã sử Khai nguyên truyền tín ký, quý phi không ít lần ghen tuông, ăn nói hỗn xược khiến nhà vua tức giận. Năm 745, nàng bị trả về nhà ngoại lần đầu. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Quý Phi ghen với Giang Thái Bình, người từng được Đường Huyền Tông yêu chiều trước khi Ngọc Hoàn vào cung. Giang Thái Bình xinh đẹp, tính tình dịu dàng, yêu hoa mai, vì vậy được phong làm Mai Phi. Nhà vua từng sai người trồng một rừng hoa mai cho Thái Bình. Khi hoa nở, hai người cùng đến thưởng hoa, làm thơ. Khi bị thất sủng, Giang Thái Bình làm một bài thơ cho vua, khiến ông nhớ về ngày cũ, về lại bên nàng. Dương Quý Phi ghen tức, lớn giọng với cả vua và Mai Phi.
Vắng bóng quý phi, nhà vua ăn không ngon ngủ không yên, đành sai người đón Ngọc Hoàn về cung, từ đó càng yêu chiều, si mê mỹ nhân kém vua 34 tuổi. Mối tình vong niên làm ông hồi xuân. Nhưng tới năm 748, vua lại đuổi quý phi khỏi cung điện. Một số sách ghi lý do là nàng "không phụng thánh chỉ" nhưng nguyên nhân chi tiết không được ghi chép rõ.
Nhiều nhà nghiên cứu đồng tình quan điểm vua đuổi quý phi nhằm cảnh cáo ngoại thích. Bởi từ khi Dương Quý Phi đắc sủng, người nhà họ Dương thâu tóm quyền lực, thậm chí coi trời bằng vung. Dương gia được ưu ái vượt giới hạn, ngang nhiên nhận hối lộ. Thậm chí, em gái ruột của nhà vua phải nhường ghế cho các chị em của Dương Quý Phi. Một số người nói với nhà vua nếu không cảnh cáo, cả giang sơn đều trở thành của nhà họ Dương.
Lần này, Đường Huyền Tông không vội đón quý phi về cung, khiến họ Dương hoảng sợ, không dám xin vua thứ tội. Dương Quý Phi suốt ngày khóc lóc. Dù vậy, vua nhớ nhung mỹ nhân, một thời gian sau sai người tới thăm quý phi. Nàng cảm động, quỳ gối nhận sai, cắt một lọn tóc gửi về cho vua. Khi nhìn thấy tóc của quý phi, vua sai thái giám đón vợ về. Đường Huyền Tông làm đủ cách để nàng vui, trong đó, cắt cử hơn 700 người hầu hạ quý phi. Vua còn khai thông con đường hàng nghìn dặm, lập các trạm luân chuyển để đưa vải về kinh thành nhanh nhất, phục vụ sở thích ăn vải của Ngọc Hoàn. Sau hai lần được rước về, Dương Quý Phi biết Đường Huyền Tông không thể thiếu mình, ngày càng ngông cuồng.
Trước khi thành quý phi, Dương Ngọc Hoàn là vợ của Thọ vương Lý Mạo - con của Đường Huyền Tông. Lý Mạo gặp Ngọc Hoàn ở hôn lễ của em gái, yêu nàng từ cái nhìn đầu tiên. Theo đề nghị của Võ Huệ Phi - mẹ Lý Mạo, Đường Huyền Tông lập Dương Ngọc Hoàn làm Thọ vương phi, tức con dâu của vua.
Nhưng từ khi Võ Huệ Phi qua đời, Đường Huyền Tông rầu rĩ. Theo sách Tân Đường Thư, có người nói với nhà vua Dương Ngọc Hoàn xinh đẹp, tư chất hơn người, vua bèn triệu nàng vào hậu cung, cưới vợ khác cho con trai. Năm 740, lấy danh nghĩa cầu phúc cho thái hậu, Dương Ngọc Hoàn xuất gia làm đạo sĩ. Một thời gian sau, nhà vua lệnh nàng hoàn tục, phong làm quý phi năm 745.
Sự si mê, sủng ái của vua Đường với quý phi bị nhiều người cho là nguyên nhân dẫn đến sự suy vong. Năm 756, do An Lộc Sơn tạo phản, Đường Huyền Tông đưa Dương Quý Phi bỏ chạy khỏi kinh thành. Cái chết của Dương Quý Phi còn là bí ẩn.
Theo sách Tân Đường Thư và Cựu Đường Thư, tướng sĩ của Đường Huyền Tông bức nhà vua ban chết cho Dương Quý Phi, họ mới chịu phò tá cứu nhà Đường. Bất đắc dĩ, Đường Huyền Tông đành cho người thắt cổ ái thê. Một số truyền thuyết lại nói Dương Quý Phi bị kẻ thù giết trong quá trình chạy trốn hoặc quý phi được đưa lên thuyền đến sinh sống ở một nước khác.
Nghinh Xuân