Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa công bố báo cáo toàn cảnh địa ốc Sài Gòn trong 10 tháng đầu năm nay và chỉ ra hai giai đoạn thị trường này phản ứng với Covid-19 suốt hơn 3 quý vừa qua.
Giai đoạn thứ nhất, từ tháng 3 đến tháng 7/2020, thị trường bất động sản bị tác động nặng bởi Covid-19, làm trầm trọng thêm những khó khăn sẵn có của thị trường trong 3 năm gần đây. Theo đó, cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội đều sụt giảm. Tuy vậy, giá bán nhà trên thị trường sơ cấp vẫn neo cao.
Trong khi đó, giá nhà đã giảm trên thị trường thứ cấp (hầu hết do bán lại, chấp nhận bán để cắt lỗ) và thị trường bất động sản cho thuê cũng ảnh hưởng nặng nề. Giao dịch bị giảm dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản. Trong lúc đa số người tiêu dùng bị giảm thu nhập làm sụt giảm khả năng tạo lập nhà ở.
Đại dịch cũng tác động rất lớn đến phân khúc bất động sản cho thuê (văn phòng cho thuê; nhà, mặt bằng cho thuê; trung tâm thương mại cho thuê); bất động sản du lịch, condotel; môi giới bất động sản...
Theo dữ liệu HoREA cập nhật từ các cơ quan thống kê, 8 tháng đầu năm 2020 cả nước đã có 923 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác. Sự sa sút của doanh nghiệp địa ốc có tác động tiêu cực đến 35 ngành nghề liên quan và ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người lao động.
Giai đoạn hai bắt đầu từ tháng 8/2020 đến nay, phản ứng của thị trường địa ốc với Covid-19 có diễn biến tích cực. Trên cơ sở cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch và nỗ lực tái khởi động của cộng đồng doanh nghiệp, thị trường bắt đầu cải thiện nguồn cung, hoạt động bán hàng diễn ra đều đặn hơn với sự tăng trưởng mạnh của bất động sản công nghiệp.
HoREA dự báo, các tháng cuối năm 2020 đến Tết Tân Sửu là thời điểm vàng cho cơ hội phục hồi của thị trường. Hiệp hội cũng kỳ vọng năm 2021, thị trường bất động sản TP HCM sẽ dần chuyển biến tích cực do cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch và một số cơ chế chính sách mới liên quan đến Luật đầu tư, Xây dựng và Luật kinh doanh bất động sản...
Cơ sở để kỳ vọng là tổng kết 9-10 tháng đầu năm 2020 từ Sở Xây dựng TP HCM cho thấy nguồn cung có dấu hiệu tăng trưởng trở lại sau thời gian dài tắc nghẽn. Vài tháng tới, nguồn cung sản phẩm nhà ở trên thị trường thành phố dự kiến sẽ được bổ sung, tăng thêm 9.147 căn, gồm 8.317 căn hộ (chung cư) và 830 căn nhà thấp tầng trong quý IV/2020.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn quan ngại thanh khoản của thị trường nhà ở do giá tài sản leo thang trong khi tâm lý của giới đầu tư và người mua còn thận trọng.
Trao đổi với VnExpress, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, Trần Khánh Quang thừa nhận rất khó để lạc quan thị trường bất động sản phục hồi trong ngắn hạn sau những tác động nặng nề của đại dịch. Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư nắm giữ tài sản cần xả hàng nhưng giao dịch bị tắc nghẽn và nhóm đối tượng này đang "gồng mình" vượt qua giai đoạn khó khăn. "Hiện tâm lý phòng thủ vẫn đè nặng thị trường khiến cho ngưỡng thách thức cuối năm trở nên khó đoán hơn", ông Quang đánh giá.
Trong khi đó, ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group quan ngại rằng, nhà đầu tư bất động sản theo trường phái bảo thủ sẽ có động thái cẩn trọng trong giai đoạn 12-18 tháng tới khi đưa ra quyết định rót tiền vào thị trường. Bởi nhóm này vẫn chờ các công bố mới nhất về nợ xấu từ hệ thống ngân hàng để định vị lại kế họach tương lai.
Mặt khác, theo ông này, thanh khoản của thị trường tài sản chưa phá được thế tắc nghẽn, chứng tỏ tác động tâm lý của đại dịch đến giới đầu tư còn khá nặng nề. Điều này làm ảnh hưởng đến việc họ ngại điều phối dòng tiền vào thị trường trong bối cảnh đà hồi phục chưa rõ ràng.
Báo cáo tổng quan về dữ liệu thị trường nhà ở TP HCM suốt ba quý đầu năm 2020 do HoREA công bố cũng thừa nhận, dù các tín hiệu khởi sắc từ nguồn cung đã xuất hiện nhưng dư âm của đà giảm tốc chưa bị chặn đứng hoàn toàn. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2020, Sở Xây dựng TP HCM đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 20 dự án (giảm 12 dự án, tương đương sụt 37,5% so với cùng kỳ năm 2019), với tổng số 6.722 căn nhà, giảm 65,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong rổ hàng có 4.876 căn nhà thuộc phân khúc cao cấp, chiếm tỷ lệ 72,5%, tăng 24,5%. Phân khúc nhà ở trung cấp chỉ có 1.683 căn chiếm tỷ lệ 25%, giảm đến 56,6%. Phân khúc nhà ở bình dân, chỉ có 163 căn chỉ chiếm tỷ lệ 2,5%, giảm đến 98,5%, trên tổng sản phẩm nhà ở trên thị trường, so với cùng kỳ năm 2019.
HoREA xác nhận cơ cấu sản phẩm nhà ở tại TP HCM cho thấy rõ nét tình trạng lệch pha cung cầu trên thị trường, phát triển thiếu cân đối, thiếu bền vững do thiếu loại nhà ở vừa túi tiền, nhà ở bình dân, xã hội và có dấu hiệu thừa cung nhà ở cao cấp như Bộ Xây dựng và Hiệp hội đã cảnh báo.
Trung Tín