Ngày 14/6, Trung Quốc ghi nhận thêm 57 ca nhiễm nCoV mới, mức tăng cao nhất hai tháng trở lại đây. Trong đó, 36 trường hợp là ở Bắc Kinh. Theo điều tra dịch tễ, các ca dương tính tại thủ đô kể từ ngày 11 đến 13/6 đều có liên quan đến chợ nông sản Xinfadi, khiến nhiều người liên tưởng tới đợt bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán hồi cuối tháng 12 năm nay.
Chính quyền Bắc Kinh sau đó đã ra lệnh đóng cửa khu chợ và phong toả cộng đồng dân cư lân cận trong vòng 11 ngày.
Diễn biến mới của dịch bệnh cắt đứt chuỗi 56 ngày không ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 của thành phố, làm dấy lên câu hỏi vì sao khu chợ đột ngột trở thành nguồn lây lan virus.
Wu Zunyou, chuyên gia dịch tễ tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, đưa ra giả thuyết về nguồn gốc đợt bùng phát mới.
Khả năng thứ nhất, theo ông Wu, hải sản và thực phẩm nhập khẩu từ quốc gia khác - những vùng Covid-19 vẫn hoành hành, có thể chứa virus trước khi được chuyển đến chợ. Chúng lây nhiễm cho chính thương lái và khách hàng.
Thứ hai, Xinfadi là một trong những khu chợ buôn bán lớn nhất Bắc Kinh, nơi cung cấp 80% rau củ và các sản phẩm nông nghiệp cho thủ đô 21 triệu dân. Hàng ngày, các lái buôn, tiểu thương và khách hàng đến từ nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc đều tập trung tại đây. Như vậy, rất có thể người mang mầm bệnh trở lại là cư dân bên ngoài Bắc Kinh.
Ông Wu cho biết khả năng mầm bệnh được "nhập khẩu" từ các quốc gia trên thế giới dễ xảy ra hơn, dựa trên tình hình hiện tại ở thủ đô. Tuy nhiên, cần thực hiện thêm các nghiên cứu trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Chợ Xinfadi, với diện tích hơn 1 triệu mét vuông, có hàng nghìn thương nhân tới mua bán hàng ngày. Trong số đó, có cả những bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng, rất có thể trở thành nguồn lây nhiễm tiềm tàng. Nhiệt độ ở chợ thấp cũng là yếu tố khiến lây lan cộng đồng có thể tăng nhanh. Các sản phẩm thịt tươi tại đây cần được bảo quản đông lạnh. Môi trường đó cho phép nCoV tồn tại trong thời gian dài, làm tăng nguy cơ phát tán, theo Wu.
Chuyên gia Trung Quốc vạch ra ba phương cách cụ thể để khống chế cụm dịch bùng phát mạnh hơn, ngăn ngừa viễn cảnh "làn sóng thứ hai".
Đầu tiên là tiến hành điều tra dịch tễ kỹ lưỡng tất cả các ca nhiễm mới và đối tượng tiếp xúc gần, tìm ra chuỗi lây truyền virus. Chính phủ có thể sử dụng nền tảng dữ liệu lớn để điều tra lịch trình di chuyển của tất cả những người mắc bệnh, nhằm có thêm thông tin. Cuối cùng là nghiên cứu trình tự gene của virus. Qua đó, các nhà khoa học tìm hiểu được đây là chủng nCoV tại Bắc Kinh và Vũ Hán hai tháng trước, hay mầm bệnh đang lưu hành ở Mỹ, châu Âu và các nước trong khu vực.
Bằng việc kết hợp cả ba phương cách, chuyên gia sẽ có được bức tranh toàn cảnh và xác định nguồn gốc cụm dịch mới.
Thục Linh (Theo CGTN)