Phó Giáo sư Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, hai bệnh nhi được đưa vào viện trong trạng thái kích thích tinh thần, hoảng hốt, sợ gió, sợ nước, biểu hiện rõ rệt của bệnh dại. Các bé bệnh ngày càng nặng, tử vong sau đó. Cả hai gia đình đều không biết con mình bị chó cắn.
Trong đó, một bé trai 12 tuổi người Mường ở Hòa Bình, chó nuôi ở nhà chết nhưng gia đình không nghĩ do bệnh dại. Người nhà cũng không biết chó dại cắn con mình vào lúc nào, đến khi bé có biểu hiện thất thường mới đi viện thì đã muộn.
Bệnh nhi còn lại cũng là bé trai 12 tuổi ở Sơn La, tử vong chỉ sau nửa ngày nhập viện. Gia đình có nuôi chó mẹ và đàn chó con. Chó mẹ có biểu hiện ốm nên gia đình bán đi, giữ lại đàn chó con. Khi chăm sóc chó con, bé bị chó cắn vào tay nhưng không báo với người nhà cho đến khi phát bệnh dại.
Theo bác sĩ, dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi. Hầu hết trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm văcxin.
Chó bị dại sẽ có những sự thay đổi trong hành vi thông thường như cắm đầu cắm cổ chạy không có nguyên nhân, chui rúc vào chỗ tối, hoảng sợ, né tránh, cắn khi không bị trêu chọc, tiết nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép. Vì đói nên con vật có thể nhai mọi thứ, nhiều con bị liệt hai chân nên đi vòng tròn... Người bị chó cắn nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng.
Bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh được. Người bị chó dại cắn mà được tiêm phòng đúng phác đồ thì tránh nguy cơ tử vong. Khi bệnh dại khởi phát, cơ hội sống của bệnh nhân đã khép lại vì không có thuốc chữa và tử vong rất nhanh.
Virus dại có rất nhiều ở tuyến nước bọt của chó mèo mắc bệnh, truyền qua vết cắn, vết cào, vết liếm trên da người và niêm mạc bị tổn thương. Virus dại có khả năng lây truyền ít nhất trong 10 ngày. Thời gian ủ bệnh kéo dài, sớm nhất là nửa tháng, đa số vài ba tháng, có người đến vài năm. Thời gian phát bệnh phụ thuộc vào vị trí bị chó cắn, càng gần thần kinh trung ương càng phát bệnh nhanh. Vì thế, những người bị chó cắn ở vùng đầu mặt cổ thì cần tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt trong vòng 12 giờ sau khi bị cắn.
Trường hợp biết chính xác con chó bị dại, ốm hoặc chó cắn xong một ngày thì chết, bạn thuộc nhóm nguy cơ cao cần tiêm huyết thanh trước, sau đó tiêm văcxin phòng dại.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
- Không thả rông chó, mèo. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
- Không đùa nghịch, trêu chọc chó mèo.
- Khi bị chó mèo cắn, cào, liếm, cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó mèo cắn.
Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Chú ý hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
- Những người có nguy cơ cao mắc bệnh như cán bộ làm công tác thú y, kiểm lâm, chế biến thực phẩm, trẻ dưới 15 tuổi thường rong chơi và hay tiếp xúc gần gũi với chó mèo... nên tiêm văcxin phòng bệnh dại.