Theo ông Trần Hồ Đăng, Chủ tịch UBND TP Hải Dương, phố đi bộ sẽ sử dụng toàn bộ quảng trường Thống Nhất, 1/2 đường Bạch Đằng và 1/2 đường Bùi Thị Xuân phía giáp sông Bạch Đằng, đường Chương Dương và cầu Hồng Quang.
Tuyến phố được chia làm các phân khu long, lân, quy, phụng. Trong đó, khu long lấy biểu tượng là Trần Hưng Đạo, khu lân theo hình ảnh Nguyễn Trãi, khu quy xây dựng hình ảnh về hai tổ sư Pháp Loa - Huyền Quang và khu phụng lấy biểu tượng Chu Văn An. Các phân khu có 45 gian hàng bày bán sản phẩm đặc trưng vùng miền, ẩm thực đường phố.
Phố đi bộ - chợ đêm sẽ hoạt động từ 16h thứ bảy và chủ nhật hàng tuần với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Hàng tháng, sân khấu quảng trường Thống Nhất sẽ có hai buổi biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn. Xung quanh sông Bạch Đằng đoạn qua phố đi bộ cũng lắp đặt hệ thống trình chiếu ánh sáng nghệ thuật.

Phối cảnh phố đi bộ ở Hải Dương. Ảnh: Thành phố Hải Dương
TP Hải Dương cũng lắp đặt ba điểm phát wifi miễn phí, ổ điện cùng năm nhà vệ sinh công cộng. Chính quyền các phường Lê Thanh Nghị, Trần Phú được giao xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng trực, đảm bảo an ninh trật tự vòng ngoài cho tuyến phố đi bộ. 10 người của các phường khác và Đội kiểm tra quy tắc thành phố sẽ đảm bảo an ninh, ngăn chặn hành vi phản cảm tại tuyến phố đi bộ.
Trung tâm chỉ huy tuyến phố đi bộ, số nhà 91, đường Bạch Đằng, luôn có hai y tá thường trực cùng thiết bị, vật tư y tế để sơ cấp cứu khi có tình huống xảy ra. TP Hải Dương cũng liên kết với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức 5 tuyến du lịch kết nối với phố đi bộ với các di tích lịch sử - văn hóa trong tỉnh.
Ông Trần Hồ Đăng cho rằng phố đi bộ - chợ đêm Bạch Đằng là bước đi đánh dấu nỗ lực của tỉnh trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội gắn với văn hóa, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.
TP Hải Dương là trung tâm của tỉnh Hải Dương, nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, diện tích 11.164 ha, dân số năm 2019 là 229.630. Thành phố nổi tiếng với nhiều đặc sản như: Bánh đậu xanh, bánh khảo, cốm An Châu.
Lê Tân