7h, một ngày đầu năm, tiết trời ở huyện Mang Yang lạnh buốt, buôn làng im lìm trong sương sớm. Bên trong căn nhà sàn nhỏ ở xã H'Ra, chị Hyeh, 26 tuổi, đang gói ghém đồ ăn, nước uống vào balô, chuẩn bị lên rừng hái đót. Cạnh đó, chồng chị đổ thêm xăng vào chiếc xe máy, cột túi đồ đạc ở sau xe.
Thấy hàng xóm chạy rầm rập trước ngõ, chị Hyeh giục chồng nhanh tay, lên rừng cho sớm. "Chậm chân là họ hái hết", chị nói và cho biết bông đót trổ từ khoảng tháng 12 đến tháng 2, nhưng thời gian hái thích hợp nhất vào tháng một.
Cây đót mọc rải rác ở triền núi, ven đồi, trên nương, thậm chí dọc đường. Tuy nhiên, để đến được khu vực nhiều đót, vợ chồng chị Hyeh và người dân trong xã phải chạy xe máy hơn 10 km đường đất, vượt qua vài con suối. Họ đi từng nhóm 2-3 xe máy.
Gần một giờ xuất phát, vợ chồng chị Hyeh quyết định dừng xe ở triền núi, bạt ngàn cây đót. Họ mang cái túi, vội vàng len lỏi đến các bụi cây, nắm ngọn, bóc lấy phần bông dài hơn nửa mét. Chị gom lại cột thành từng bó nhỏ, nhét vào cái túi sau lưng. "Đợt này bông đót to, không quá già nên giá cao", chị Hyeh cho hay.
Một tuần nay, vợ chồng người Ba Na này may mắn gặp trúng được vào khu vực nhiều đót mà chưa có ai phát hiện. Họ kiếm được hơn một 100 kg mỗi ngày, bán giá 6.200 đồng một kg. Được bao nhiêu, cả hai mua gạo và thức ăn, còn lại dành dụm sắm đồ Tết cho ba người con.
Chính vì thu nhập cao, người lớn cũng như trẻ nhỏ trong làng tranh thủ lên rừng hái đót. Mọi người cố gắng đi sớm và đi xa để có được những đám đót mới, nhiều hơn.
Cách chỗ chị Hyeh một ngọn núi, vợ chồng anh Kim, 30 tuổi, ở xã H'Ra cũng đang cố hái đót thật nhanh, thật nhiều. Bởi theo kinh nghiệm của người đàn ông 10 năm theo nghề này, thời gian đót trổ bông đến khi thu hoạch không lâu, chỉ dưới 30 ngày, nếu để già quá không ai mua nữa.
Mỗi ngày vợ chồng anh Kim kiếm khoảng 500.000 đồng, sau khi trừ tiền xăng xe. Song, nghề này cũng nguy hiểm, do đót thường mọc ở vách đá, bờ suối, nơi có nhiều rắn rết nên không cẩn thận sẽ nguy hiểm đến tính mạng. "Mới đây, một người ở huyện Đăk Đoa đi hái đót bị ngã chết, nên vợ chồng tôi thận trọng hơn", anh Kim kể.
Gia đình anh có 3 sào ruộng, hơn 1.000 gốc cà phê. Hiện cà phê và lúa đã thu hoạch xong, không biết làm gì, những ngày qua vợ chồng anh bới cơm, nước, luồn lách trong rừng hái đót kiếm tiền tiêu Tết. Anh Kim bảo, hôm rồi trời trở lạnh, nhờ tiền bán đót, ba đứa con của anh mới có áo ấm mới để mặc. Bữa ăn có thêm cá, thịt.
Theo anh Kim, so với năm ngoái thì đót năm nay tăng nhẹ nhưng hiếm hơn. Trung bình cứ một kg đót tươi, sau khi phơi khô còn khoảng 4 lạng. Đót khô sẽ có giá 19.000-20.000 đồng một kg. Mọi người sau khi hái về sẽ bán cho các đại lý thua mua nông sản. Một số hộ để đót lại phơi, tự tay đan chổi bán. Huyện Mang Yang và Đăk Đoa là nơi có số lượng người hái đót nhiều nhất ở Gia Lai.
Cây đót, tên khoa học là Thysanolaena latifolia, một loài thực vật có hoa trong họ Hòa thảo. Cây này thường gặp trên đất khô vùng núi các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam..., độ cao từ 50 m đến 2.000 m.
Cây cao tới 3,5 m, giống sậy và lau. Thân to 5-8 mm. Lá cứng, hình giáo rộng, nhọn mũi, ôm lấy thân, có mép, hơi ráp. Bông nhỏ rất nhiều gồm nhiều cọng nhỏ, hình dải thuôn, chụm lại với nhau.
Khi bông còn non, xanh và chưa nở hoa thì người dân cắt về phơi khô làm chổi. Đót khi khô phải có màu sáng, mịn, dai để làm chổi cho bền và chắc. Một cây chổi bán với giá 30.000 - 100.000 đồng tùy theo độ dày, mỏng.
Trần Hoá