Nguyễn Chí Hoan -
Câu chuyện ở đây đã cắm đầu chạy tuột một lèo từ cái giả thiết sáng giá của mình đến cái luận chứng có tính cách chung của mình một cách giản đơn là vội vàng, như thể cái bào thai chín tháng chín ngày kia đã quá đỗi tự tin ở tư cách hài nhi của mình. Tuy nhiên, bất cứ cái bào thai nào cũng đều chưa phải là người, dẫu có muốn là một nhân vật bởi nhà văn muốn thế, bởi vì cái ta quen gọi con người thì ngoài 90% là nước còn phải mang lấy 90% là văn hóa - nghĩa là nó phải lớn lên trong xã hội con người cho đến độ tuổi gọi là thành niên. Bởi thế, hư cấu một cái bào thai, cho dù đã chín tháng mười ngày, thành một nhân chứng cho những chuyện đồi bại, tội lỗi, những chuyện gánh nặng lương tâm nọ kia thì xem ra có vẻ nếu không cấm kỵ thì cũng là bất nhẫn. Trừ phi nó có một chiều kích cái phi lý thật sự.
Trong trường hợp của Thiên thần sám hối, trước hết phải nhìn nhận rằng tác giả đã vạch ra một "giả thiết làm việc" độc đáo: một cái bào thai có hoạt động nhận thức và kể lại những gì nó nghe và thấy từ trong bụng mẹ ở một nhà hộ sinh. Cái giả thiết này có là hay hay không hoàn toàn tùy thuộc vào: thứ nhất, các quan niệm về giá trị của mỗi người đọc tiềm tàng; thứ hai, vào cách mà câu chuyện thuyết phục/áp đặt tính hợp lý văn chương của nó đối với những người đọc ấy.
Một giả thiết như thế hé lộ một cấu tạo thú vị: nhân vật chính - người kể chuyện là một vai ẩn: cái bào thai nằm trong bụng mẹ. Một cách hợp lý, đây phải là một nhân vật song trùng ít ra về tính cách và nếu cho rằng cái bào thai đó có hoạt động nhận thức thì đây là một cặp nhận thức mẹ - con với các tương qua qua lại v.v... Nếu giả thiết này được phát triển theo hướng này thì đây có thể coi là một trường hợp loại biệt của mô hình nhân vật bệnh lý tâm thần đa nhân cách hay bệnh lý tâm thần nói chung - một mô hình rất quyến rũ và đầy ảnh hưởng. Và cho dù câu chuyện được kể lại ở thời quá khứ, nghĩa là cái bào thai sau đó đã ra đời và nhớ lại v.v... thì chắc chắn thứ ngôn ngữ phù hợp phải là một thứ chuẩn - ngôn ngữ, nghĩa là một thứ ngôn ngữ phôi thai toàn diện cả về từ vựng, cú pháp, giọng điệu và chắc chắn là phải gần với "dòng ý thức". Như vậy, để phù hợp với giả thiết dựng truyện của mình, tác giả phải làm được một điều tương tự mang lại tính hợp lý văn chương cho một hư cấu ít nhiều vô lý đối với thực tại thông thường.
Sự phục tùng tính hệ thống của bất cứ phạm vi nào của thực tại cũng là một nền tảng của hư cấu văn chương. Khi đọc mấy dòng lời "Tựa" vắn tắt ở đầu sách thấy tác giả nói rằng đây là câu chuyện của một đứa trẻ con nằm trong bụng mẹ và xin bạn đọc đừng băn khoăn rằng "Sự đời lẽ đâu lại thế" v.v... thì chắc chắn đến chín chín phần trăm là người đọc sẽ chờ đợi một câu chuyện hết sức không bình thường, chờ đợi thấy một sự kiện phi lý - những thứ luôn cuốn hút con người ta. Thế rồi sao? - Thế rồi cái đứa trẻ "còn trong bụng mẹ" ấy xưng "tôi" già dặn, tường thuật như một bình luận viên bóng đá trực tiếp trên truyền hình về một loạt 10 câu chuyện đời "lá cải", mỗi chuyện là một vụ tình dục hoen ố dẫn đến những mầm sống chết yểu; rồi câu chuyện thứ 11 là một chuyện hoang đường vô căn cứ về một người đàn ông nào đó bị ung thư giai đoạn cuối nhưng vẫn sống khỏe mạnh đến hai mươi năm sau chỉ vì ông ta khăng khăng tin rằng mình không thể chết (- đây là một chuyện dẫn về một ý tưởng mập mờ màu sắc tôn giáo về phép lạ của lòng tin, trong văn cảnh cuốn sách này). Đấy là một thứ ngôn ngữ không thể thông thường hơn được nữa! Và kết cấu toàn bộ cái mạch truyện ấy cũng chỉ là "tuần tự nhi tiến", trong khi người ta chờ đợi được thấy một kết cấu phản ánh tính chất của chủ đề và đề tài, phàn ánh tính phi lý đặc thù của nhân vật và tình huống truyện. Rõ ràng cái giả thiết dựng truyện là một sự kiện phi lý, đến mức tác giả phải rào đón đến hai lần, một cách khá thô theo kiểu: tin thì tin không tin thì thôi!, chỉ trong ba trang sách đầu. Nhưng rồi toàn bộ diễn trình sự kiện sau đó cả về ngôn ngữ, cấu trúc, hình ảnh đều chỉ tuân theo logic thông thường. Đó là một quá trình không đếm xỉa gì đến tính hệ thống.
Giả thiết/hư cấu một thai nhi nhận thức và kể chuyện từ trong bụng mẹ là một lập đề phi lý. Không có gì mới nếu nói lại rằng văn chương phi lý đã trở thành một phần kinh điển của thời hiện đại - nửa đầu thế kỷ 20 vừa qua. Hơn nữa, cái phi lý đã trở nên một khái niệm học thuật, chứng tỏ rằng nó có một tư cách thực tại và dự phần vào việc nhận thức thực tại. Nhưng chính vì thế mà người ta thấy rằng không phải bất cứ cái gì có thể bịa ra đều có thể gọi là phi lý. Ở đây, trong cuốn Thiên thần sám hối này, đứa trẻ đang còn trong bụng mẹ đã phạm quy khi chơi trò kể những câu chuyện đời "lá cải" bằng một giọng cũng rất "lá cải" - nghĩa là nó đã "từng trải", từ khi chưa thành nghé. Đứa bé "cụ non" này "quên" mất một điều: với tư cách là cái phi lý, nó và câu chuyện của nó không bao giờ được phép chuyển thành cái hợp lý nếu nó không muốn phá vỡ tính hệ thống của chính mình và thế là triệt tiêu chính mình. Có thể là đứa bé ấy hoặc chính tác giả còn quên mất một lợi thế vô song: vì đứa bé chưa ra đời, chưa có tên tuổi và chưa ai được thấy nó mồm ngang mũi dọc ra sao, cho nên trên bình diện hiển ngôn trong truyện, nó thuần túy là một tiếng nói, là nhân vật chỉ hiện diện bằng lời (-nếu tác giả muốn thì thậm chí có thể chữ Lời viết hoa!). Nhưng đấy cũng là một đặc điểm ràng buộc: đứa bé kể chuyện chỉ là một chuỗi hành ngôn, cho nên nếu nó phi lý thì hành ngôn không thể là hợp lý. Thế mà cái đứa bé ấy lại vội vàng chọn chuỗi hành ngôn hợp lý, trong một hình thức trần thuật thông dụng, khiến cho dữ kiện xuất thân của nó hóa ra là vô lý.
Thực tế, khi tác giả để cho đứa bé kể chuyện hội nhập vào dòng ngôn ngữ đời sống thông thường thì tác giả đã biến một điều bí ẩn năng động thành một cái phi lý dung tục chắc chắn là miếng mồi ngon cho một trật tự của cái hợp lý. Mà đó là sự trái ngược với tham vọng chủ yếu của cuốn sách này được luận chứng thông qua một loạt từ ngữ và khái niệm thuộc về tôn giáo - điều đáng tiếc thứ hai ở cuốn truyện này.
Vâng, điều đáng tiếc thứ hai thể hiện tập trung trong một từ vựng tôn giáo được vận dụng ở đây một cách khá là tùy tiện. Tập hợp các từ/khái niệm thuộc loại này trong Thiên thần sám hối trải từ "quả báo", "ác nghiệp" cho đến "cứu rỗi", "ân sủng", "nguyền rủa", "tội tổ tông", v.v... và, tất nhiên, "sám hối". Liệu mỗi người đọc hiểu các hàm nghĩa của những từ/khái niệm vừa nêu như thế nào? Chuyện đó có thể không quan trọng lắm với ai đó, thậm chí đối với cả một số nào đó con người tôn giáo chỉ bởi họ sống cả đời trong "ân sủng" như cá trong nước và thành thực tin vào "cứu rỗi" như tin ở mắt mình. Tuy nhiên, trong địa hạt của văn chương hư cấu, cụ thể là trong cuốn Thiên thần sám hối này, việc vận dụng các từ/khái niệm đặc thù tôn giáo như vậy đòi hỏi phải có ràng buộc, có giới định hợp lý giữa hàm nghĩa và văn cảnh.
Hãy xem đứa bé kể chuyện cho một nhân vật nữ nói về trẻ em rằng "chúng cũng là sự cứu rỗi cái án cô đơn của người lớn" (tr.52); rồi một đoạn sau, nó cho nhân vật nam hùng hồn: "Em hãy hỏi ngay chính Giáo hoàng xem có thật sự con người cần sám hối không? Cứ gây ra tội ác rồi lại sám hối"; ở một đoạn khác, nó cho mẹ nó nói chuyện với một vong linh trẻ mà nó gọi là "thiên thần", để mẹ nó đáp lời "thiên thần" ấy rằng: "Nhưng tại sao cô lại chọn tôi để nói cái sự thật ấy bởi tôi có cảm giác nó là một ân sủng?" (tr.107); rồi ở một đoạn khác, nó lại cho mẹ nó nói: "Tôi muốn con tôi tự do ngay từ khi ra đời. Tôi không muốn nó mang ơn như một thứ tội Tổ tông". (tr.115); v.v... Trên bình diện hiển ngôn của truyện này, việc vận dụng văn chương hoá các từ/khái niệm thuộc Kitô giáo như vậy xem ra không nghiêm túc chiếu cố đến nội hàm thực sự của các từ/khái niệm ấy. Chỉ có văn chương nóng vội và bóng bẩy mới trịnh trọng ví von việc sinh đẻ như "sự cứu rỗi" một cái "án cô đơn", hay coi việc mổ đẻ là "một thứ tội Tổ tông" đối với trẻ sơ sinh! Đó chính là sự dung tục hóa đối với từ vựng tôn giáo. Và chỉ có thể phớt lờ truyền thống tôn giáo đặc thù thì nữ nhân vật "mẹ" kia mới diễn đạt cảm giác về lời nói của nhân vật vong linh vô hình kia như "là một ân sủng".
Nhìn chung, chắc chắn là không nên động đến những khái niệm đặc thù và căn bản tôn giáo nếu không có lý do chính đáng và không có một văn cảnh thích hợp. Đặc biệt khi ở đây, trong cuốn Thiên thần sám hối này, sử dụng đến đề tài chống nạo phá thai theo đường hướng của Kitô giáo để luận chứng về một thứ "bi kịch của con người" (tr.86) với "một sự trừng phạt không phải của con người" (tr.100) về việc "chối bỏ sự sống" (tr.108) v.v... thì sự hàm hồ vận dụng các khái niệm tôn giáo căn bản sẽ trở nên một cái bẫy khiến cho ngôn ngữ văn chương trở nên vô hiệu, kéo theo sự vô hiệu của ý đồ tiểu thuyết.
Làm sao mà sự vận dụng nông nổi một số từ/khái niệm tôn giáo lại có thể "cứu rỗi" một chuỗi những câu chuyện về tình dục hoen ố và nạo phá thai để cho chúng được hưởng phần rỗi đời đời ở nơi không "chối bỏ sự sống"? Làm sao mà một "Thiên thần" nguyên nghĩa lại có thể/cần phải đi "sám hối" trước một "tính mẹ vĩnh cửu" (tr.115) đang sống thân phận người trần mắt thịt? (- trừ khi "Thiên thần" đó ở Hôliút về). Làm sao có thể khái quát rằng cái ác là sự trả thù của những bào thai/người bị "giết từ trong ý nghĩ"? (- đơn giản: nếu cái ác là sự trả thù thì việc "giết từ trong ý nghĩ" là cái gì?). V.v... và v.v... Vậy là, nếu văn chương không biết tự vấn mình trước hết thì công phu hư cấu liệu sẽ giải đáp cái gì, giải đáp cho ai? Sự không thấu đáo, ít ra về luận lý, có thể khiến nhận thức rơi vào chỗ người xưa gọi là cuồng giản, nôm na nghĩa là có ý lớn mà nông nổi mà đại khái mà vội vàng.
Người Hà Nội, số 35, ngày 27/8/2004